Thứ Hai, 10 tháng 12, 2012

Tự hứa

Tự hứa

Rằng mình
IMG_0601zĐủ mạnh mẽ để không gì có thể xáo trộn sự an bình của tâm hồn bạn.
Nói về sức khỏe, niềm vui, và sung túc với mọi người bạn gặp mỗi ngày.
Hãy làm cho bạn hữu thấy rằng mỗi người đều có gì đặc biệt.
Hãy nhìn vào mặt tươi sáng của mọi vấn đề và khiến cho tinh thần lạc quan thành hiện thực.
Chỉ nghĩ đến những điều tốt nhất, làm việc vì những điều tốt nhất, và mong chờ những điều tốt nhất.
Hãy hăng hái với thành công của người khác giống như với thành công của mình.
Hãy quên đi sai lầm của quá khứ và hăm hở đến thành tựu lớn hơn của tương lai.
Hãy cho mình một nét mặt luôn tươi vui và trao tặng mọi sinh vật bạn gặp một nụ cười.
Hãy dành thật nhiều thời gian để cải thiện chính mình đến độ không có thời gian phê bình người khác.
Quá bao la nên không lo lắng, quá cao thượng nên không oán giận,
quá mạnh mẽ nên không sợ hãi, và quá hạnh phúc nên không cho phép muộn phiền có mặt.

Ngụ Ngôn Từ Một Giấc Mơ

Ngụ Ngôn Từ Một Giấc Mơ

Câu chuyện của Susan Boyle là ngụ ngôn thời hiện đại của chúng ta. Người phụ nữ trung niên này là một ca sĩ rất tài năng, và đức hạnh, là người con hiếu thảo chăm sóc bà mẹ góa nhiều năm cho đến khi bà qua đời 2 năm trước.
Vì sao Susan Boyle bị cười nhạo khi cô bước ra sân khấu trong cuộc thi vòng loại “ Nước Anh Có Tài Năng 2009” vào một đêm thứ bảy. Cuộc thi này đã kéo dài từ tháng 1 đến tháng 2 / 2009.
Người phụ nữ này, mới đây thất nghiệp,  sống một cuộc đời lặng lẽ , chỉ có ca hát làm lẽ sống; mà kinh nghiệm ca hát của cô chỉ giới hạn ở ban đồng ca nhà thờ và hát Karaoke
Khi mới được sinh ra , cô bị thiếu oxy, và do đó rất khó khăn trong học tập. Khi đi học cô học chậm ; với mái tóc quăn, cô thường bị bắt nạt, chủ yếu bằng những lời nặng nhẹ, chê bai, và mắng mỏ. Cô đã kể với một phóng viên rằng những lời nhục mạ của bạn học thời ấy đã để lại những vết sẹo trong tâm hồn cô.
Cô không có bạn trai, là một người lạ lẫm với chuyện yêu đương lãng mạn, chưa bao giờ được hôn, chưa từng có một lần hò hẹn. “Thật đáng xấu hổ !”, cô nói. Và ca hát là chiếc bè cứu đắm cho cuộc đời cô.
Cô sống với cha mẹ trong một ngôi nhà 4 phòng nhỏ ở West Lothian, và khi cha cô chết 10 năm trước, cô chăm sóc mẹ và hát trong ca đoàn.
Khi ban giám khảo và khán giả nhìn thấy người phụ nữ trung niên, to béo, ăn mặc có vẻ quê mùa, vụng về, bước lên sân khấu,  họ bắt đầu cười khỉnh. Khi cô nói cô muốn có một sự nghiệp ca hát sánh ngang với Elaine Paige ( một danh ca 61 tuổi của nước Anh), tất cả khán giả đều sửng sốt . Khi cô nói với giám khảo Simon Cowell, rằng cô đã không có cơ hội để phát triển sự nghiệp ca hát của mình cho đến bây giờ đã 47 tuổi , 3000 khán giả cười phá lên và 3 giám khảo không nén được cũng  phì cười. Nhưng khi cô cất tiếng hát bài I Dreamed a Dream ( Tôi Đã Mơ một Giấc Mơ) trong vở nhạc kịch Les Miserables ( Những Người Khốn Khổ), tất cả mọi người như bị thôi miên và sau đó hoan hô nồng nhiệt.
Simon Cowell nói giọng của cô “đặc biệt”, Amanda Holden xúc động đến rơi lệ khi nghe cô hát, và người giám khảo thứ ba , Piers Morgan, thừa nhận tài nghệ của cô là độc đáo lạ thường nhất trong 3 năm ông làm giám khảo cuộc thi này.
Giấc mơ của Susan Boyle đã thành hiện thực. Chúng ta học được gì từ câu chuyện như cổ tích, ngụ ngôn thế kỷ 21 này?
1. Nếu không có tài năng thực sự, cô hẳn đã là nạn nhân và đối tượng của những lời nhạo báng, mỉa mai, hay thương hại.
2. Cô rất can đảm, thực sự dũng cảm khi chịu đựng những điều bất hạnh của cuộc đời từ thời thơ ấu, cho đến khi đã bước qua tuổi thanh xuân vẫn không có tình yêu đôi lứa. Trong cảnh ngộ như thế, cô vẫn không đánh mất ước mơ , vẫn đam mê ca hát và kiên trì rèn luyện cho tài năng theo cách của mình : sống âm thầm giản dị và có ích : chăm sóc cha mẹ  và hát trong ca đoàn. Nếu không có sự dũng cảm,  ý chí kiên trì, và niềm tin vào ước mơ cũng như năng lực bản thân, cô hẳn đã không thắng nổi mặc cảm, quên đi  những vết sẹo ấu thơ,  và không dám tham gia vào cuộc thi tuyển chọn  tài năng của nước Anh
3. Dù bên ngoài cô như một con vịt xấu xí, cô vẫn rất đẹp trong tâm hồn, với  lòng hiếu thảo,  và tài năng, cô đã tỏa sáng bằng giọng hát của  thiên thần của mình.
4. Chúng ta thêm một lần nữa đọc và suy ngẫm lại những câu ngạn ngữ đã được học từ lâu: “Đừng đánh giá con người qua bề ngoài”, “Cái đẹp thực sự là cái đẹp ở bên trong tâm hồn”; “Dù trong cảnh ngộ nào, không được đánh mất ước mơ “; “Có công mài sắt, có ngày nên kim .“
Mời các bạn nghe bài hát “I Dreamed A Dream “ mà Susan Boyle đã hát trong cuộc thi nói trên :
I Dreamed A Dream
There was a time when men were kind,
And their voices were soft,
And their words inviting.
There was a time when love was blind,
And the world was a song,
And the song was exciting.
There was a time when it all went wrong…
I dreamed a dream in time gone by,
When hope was high and life, worth living.
I dreamed that love would never die,
I dreamed that God would be forgiving.
Then I was young and unafraid,
And dreams were made and used and wasted.
There was no ransom to be paid,
No song unsung, no wine, untasted.
But the tigers come at night,
With their voices soft as thunder,
As they tear your hope apart,
And they turn your dream to shame.
He slept a summer by my side,
He filled my days with endless wonder…
He took my childhood in his stride,
But he was gone when autumn came
And still I dream he’ll come to me,
That we will live the years together,
But there are dreams that cannot be,
And there are storms we cannot weather!
I had a dream my life would be
So different from this hell I’m living,
So different now from what it seemed…
Now life has killed the dream I dreamed..
.
I Dreamed A Dream (In Les Miserables)
Tôi đã mơ một giấc mơ
Đã có một thời người ta tử tế
Giọng nói của họ nhẹ nhàng,
Và ngôn từ của họ mời mọc.
Đã có một thời tình yêu mù quáng
Và thế giới là một bài ca
Và bài ca ấy thật là kích thích.
Đã có một thời mọi việc không êm xuôi…
Tôi từng mơ giấc mơ của một thời đã qua,
Khi hi vọng còn đầy và cuộc đời đáng sống.
Tôi đã mơ rằng tình yêu không bao giờ chết,
Tôi đã mơ rằng Chúa sẽ thứ tha.
Khi ấy tôi còn trẻ và không hề sợ hãi,
Và những giấc mơ được đắp xây, sử dụng, và bỏ phí.
Không có tiền chuộc nào để trả,
Chẳng bài ca nào không hát, chẳng rượu nào không uống.
Nhưng đàn hổ đến về đêm,
Bằng chất giọng dịu dàng như sấm,
Chúng xé nát hi vọng của bạn,
Và chúng khiến hi vọng của bạn biến thành nỗi nhục,
Chàng ngủ cạnh tôi suốt một mùa hè
Chàng làm đầy những ngày của tôi bằng diệu kỳ bất tận
Chàng lấy tuổi thơ tôi trong bước chàng đi
Và tôi vẫn mơ chàng sẽ đến.
Rằng chúng tôi sẽ sống những năm tháng cùng nhau,
Nhưng có những giấc mơ không bao giờ là thực
Và những cơn bão tố ta không thể chống chọi!
Tôi đã có một giấc mơ rằng đời tôi sẽ
Khác xa địa ngục tôi đang sống,
Giờ đây khác xa những gì tôi tưởng
Giờ đây cuộc đời đã giết giấc mơ tôi đã mơ..

Ta tích cực hay tiêu cực đến mức nào ?

Ta tích cực hay tiêu cực đến mức nào ?
Tích cực và tiêu cực có mhiểu mức độ, từ zero đển vô cùng. Làm sao ta biết được ta nằm ở mức nào trên cây thước? Điều này rất khó khăn vì không có thước thực sự có thể đo lường chính xác. Các test tâm lý mà thỉnh thoảng ta thấy chỉ là để chơi cho vui, chứ không sờ đến điều gì sâu hơn là lớp da của vấn đề. Nhưng nếu không biết được mình đang đứng ở mức nào thì làm sao mình khá lên được?
Dĩ nhiên là ta hay nói, “Nửa ly nước nói là đầy nửa ly cũng đúng mà cạn nửa ly cũng đúng.” Nhưng như vậy không có nghĩa là hai bên như nhau. Người tích cực thì thành công, người tiêu cực thì thất bại. Đó là lý lẽ chung ai cũng thấy. Dĩ nhiên ta có quyền chọn thành công hay thất bại cho ta. Nhưng nói rằng hai cách chọn này như nhau thì quả là nói ngày cũng như đêm, phải không các bạn?
Vì vậy biết được mình tích cực hay tiêu cực đến đâu có ảnh hưởng trực tiếp đến tiềm năng thành công hay thất bại của mình. Nhưng, trở lại vấn đề, làm sao mình biết mình tích cực hay tiêu cực đến đâu? Câu trả lời lệ thuộc vào hai điều. Thứ nhất, ta có quan sát tâm ta thường xuyên và cẩn thận không? Thứ hai, ta có thật sự thật sự thật sự thành thật với chính mình không? Tâm mình chỉ có mình biết, nếu mình không thành thật với chính mình thì chẳng còn ai có thể giúp.
Nếu ta dành khoảng mười phút, yên tĩnh, lướt qua danh sách dưới đây, ta có thể có một khái niệm khá rõ ràng là ta tích cực hay tiêu cực đến mức nào. Không điều nào trong danh sách này có thể nói được điều gì tự một mình nó. Nhưng đứng chung với nhiều câu khác, chúng có thể vẽ ra được phần nào mô hình của tâm thức chúng ta.
Hãy tự hỏi
Mình thường:
Hay nổi nóng?
Hay nói không thành thật?
Hay thắc mắc thầm, “Anh chàng này có âm mưu gì đây?”
Ghét hay nghi ngờ cả một group người nào đó (như dân Trung quốc? dân miền Bắc? dân công giáo? nhà nước? dân Mỹ?).
Không vui khi thấy bạn bè thành công?
Hay run sợ ?
Hay lo lắng?
Nghĩ về quá khứ nhiều hơn hiện tại?
Nghĩ về tương lai nhiều hơn hiện tại?
Ra đường thường không thấy gì ngoài các ý tưởng trong đầu mình?
Thích phê phán?
Không thích làm?
Không phục ai?
learningtocount1
Không thấy ai có cái gì đáng học?
Không quan tâm đến những gì “vặt vảnh” quanh mình như nắng mưa, hoa cả, chim chóc?
Không quan tâm đến những người “không quan trọng” quanh mình?
Không khen và ca ngợi người khác ?
Luôn luôn thấy ý kiến người khác cần bổ túc?
Thích được khen?
Hay buồn?
Hay bực mình?
Hay cau có gắt gỏng?
Hay gây cãi nhau?
Hay nghĩ về mình?
Ít khi nghĩ về cái gì khác mình?
Ít ủng hộ việc người khác làm?
Có mục tiêu đập đổ ai đó hay cái gì đó?
Không có mục tiêu xây dựng ai đó hay cái gì đó?
Tin rằng mình không nghĩa lý gì cho cuộc đời này hết?
Tin rằng mọi cố gắng trên đời rốt cuộc đều không nghĩa lý gì?
Tin rằng mình rất quan trọng cho cuộc đời này?
Xem là mình đang bị đày đọa trong cuộc đời này?
Tin rằng đời là cá lớn nuốt cá bé?
Tin là dịu dàng và tình yêu là khờ khạo trong đời sống này?
Tin là con người phải được cai trị bằng bàn tay sắt?
Hận đời?
Ghét đời?
Hay nói, “Tôi không thích”?
Hay nói, “Tôi không quan tâm”?
Hay nói, “Tôi không cần”?
Hay nói, “Tôi chẳng là gì cả.”
Hay nói, “Không được”?
Hay nói, “Quá khó”?
Hay nói, “Làm chi cho mệt”?
Hay nói “Lừa lọc hay tham nhũng là sống khôn”?
Hay giảng, “Phải biết sống theo thời thế”?
learningtocount2
Hay phê phán những người “lý tưởng” và “ngây thơ”?
Hay nói, “Chết là hết”?
Hay có thành kiến với những người làm việc để kiếm lợi cho chính họ?
Hay nghĩ là những người tin vào tôn giáo là mù quáng?
Hay nghĩ là những người không tin vào tôn giáo là ngu dốt?
Hay nghĩ là những người không làm theo Chúa dạy, Phật dạy, bác Hồ dạy, hay Đảng dạy là ngu dốt?
Hay nghĩ là người nào không biết và không thích ABC hay XYZ là ngu dốt?
Hay thầm ước thế giới nổ tung?
Hay bị lở bao tử hay đường ruột?
Mình đã cố tình không sắp các câu hỏi này theo một thứ tự và hệ thống nào, vì tất cả chúng hầu như có giá trị ngang nhau trong tâm thức của ta. Nếu các bạn rất thành thật với mình, càng nhiều câu trả lời “Yes” trong danh sách trên, có nghĩa là bạn càng tiêu cực. Ít Yes, nhiều No, là tích cực. Càng nhiều Yes trong một ngày thi càng nhiều tiêu cực trong ngày đó.
Danh sách này chỉ là một tí tượng trưng, không đáng là bao đối với tất cả những gì trong tâm ta có thể quán sát. Và chúng ta cũng không thể dùng nó như toán học, bao nhiêu phần trăm Yes, bao nhiêu phần trăm No. Tính cho vui thì được, nhưng các vấn đề tâm thức không đơn giản như toán học. Tuy nhiên, nếu bạn cố gắng sử dụng các câu hỏi này như một cách khuyến khích mình kỹ luật với chính tư duy của mình, thì chính thái độ nghiêm chỉnh đó là dấu hiệu của một tâm thức rất tích cực. Nhưng lại không có trong danh sách trên. :-)

Sống một đời an vui giữa thế giới bận rộn

Sống một đời an vui giữa thế giới bận rộn

“Mọi người sẽ cho bạn nhìn thấy mặt tích cực của họ. Hầu hết tất cả mọi người đều có mặt tích cực. Hãy đợi đi. Mặt tích cực sẽ hiển lộ.”
 R. Pausch
Có phải một ngày bình thường của bạn như thế này không?
Vừa mới thức dậy vào buổi sáng, bạn đã nổi cáu lên rồi, thế là bạn đã quyết định, hôm nay, một ngày ‘tồi tệ’ rồi đây. Bạn bắt đầu phàn nàn vì không hoàn thành hết những công việc đã dự định trong bảng liệt kê ‘những điều cần làm’ và không hài lòng vì không nhận được sự giúp đỡ của đồng nghiệp như bạn mong đợi. Thôi thì, đằng nào bạn cũng có thể làm tốt hơn họ nhiều. Rồi bạn nghĩ đến chuỗi công việc con bạn sẽ làm trong ngày, rồi bạn suy tính, liệu chúng nó có hoàn thành hết ngần ấy công việc không và kết quả có như mình mong đợi không. Tất nhiên là bạn sẽ không có đủ thời gian để có một bữa điểm tâm ‘đầy đủ dinh dưỡng’, chỉ có bánh rán và cà phê rồi vội vã lao vào công việc. Nếu may mắn, bạn ăn trưa ngay bàn làm việc; không thể chuyển môi trường ấy sang môi trường ăn trưa thoải mái được trong khi bạn có cả núi việc cần làm. Thế là lòng bạn lại đầy bực bội và sân giận. Ngồi nhiều lại đau lưng nữa chứ.Với bất kỳ lý do gì, lúc nào bạn cũng có thể trở nên cáu gắt được cả. Thế rồi, khi trở về nhà, uống một, hai ly bia hay rượu, rồi đi đón con từ bãi tập thể thao, hoặc bạn có thể bạn đón con trên đường đi làm về. Sau đó bạn ăn vội vàng ba miếng hay kêu cơm phần, lại trở về văn phòng hay về nhà làm việc tiếp!
Động cơ nào làm cho bạn thay đổi?
Các nghiên cứu cho thấy rằng những tiêu cực trong bản thân mình thường diễn ra trong cuộc sống là động cơ thúc đẩy bạn thay đổi thái độ và hành vi. Có khi nào sau khi gặp một biến cố dễ sợ trong cuộc sống, bạn hiểu ra được điều gì thật sự quan trọng trong đời và làm thế nào để có cuộc sống cân bằng trong thế giới ‘bận rộn’ này với niềm an ổn, thỏa mãn, bình lặng và vui vẻ không? Sao ta lại không để cho những căng thẳng lên đến mức đỉnh điểm để rồi chính nó là động cơ thúc đẩy cho mình thích nghi cuộc sống bằng cách thay đổi những thói quen của mình?
Thay đổi những thói quen trong cuộc sống
Nhìn kỹ thói quen với tâm chánh niệm: chánh niệm là một trạng thái con người “chú tâm và ý thức điều gì đang diễn ra trong giây phút hiện tại.” Bạn luôn có những lời thì thầm trong đầu về những gì bạn đã làm và chưa làm được hay những việc hoạch định cần phải làm mà không có thời gian để chú tâm vào BÂY GIỜ hay hiện tại. “Khi bạn chỉ tập trung vào ngay giây phút hiện tại hay chú tâm vào môi trường hiện tại, bạn có thể đạt được trạng thái an tịnh, tinh thần sảng khoái, và cảm giác toại nguyện.” (Kabat-Zinn, 2007).
No where -- Now here
No where -- Now here

Những giây phút thế này chưa từng xảy ra trước đó. Chúng ta có mối liên hệ gì với những giây phút này?
Về tư tưởng của bạn; hãy để tư tưởng trôi đi như chiếc lá vờn bay trong gió. Bạn chỉ có những giây phút này để chọn lựa mình nên chú tâm vào điều gì. Những gì xảy ra trước đây 10 phút, thì cũng đã xảy ra rồi. Bạn có thể chọn lựa tập trung tâm ý vào những gì đang diễn ra mà không phải những gì đã xảy ra rồi hay suy nghĩ những gì sẽ đến trong tương lai. Đừng bỏ lỡ những giây phút quý giá này, tất cả trong tầm tay của bạn. “Hãy đến với sự an tịnh và sử dụng phương pháp ‘tập trung vào vấn đề’ để xử lý tình huống” (Kabat-Zinn, 2008).
Hãy làm điều tốt nhất với những gì bạn đang làm ngay bây giờ. Hãy tập chấp nhận lòng tự ái, sống cởi mở, bao dung và tha thứ.
Hãy buông xả những phán xét về các việc bạn và người khác làm vì như thế,b ạn buông xả đi rất nhiều về tâm chấp mắc vào kết quả mình mong cầu.
Một nền tảng để quản lý và giảm trạng thái căng thẳng là CHẤP NHẬN cuộc sống như nó diễn ra mà không phán xét và ý thức đầy đủ về giây phút hiện tại (Kabat-Zinn, 1990). Hãy nhận thức rõ về luật vô thường rằng không có gì trên cuộc đời này là ổn định cả; cuộc sống là không chắc chắn. Bất cứ bạn đang ở nơi nào, giây phút hiện tại đang hàm chứa cả nhân lẫn quả. Chah (2005) gọi khái niệm này là “hiện tại là quả của quá khứ và là nhân của tương lai.” Bất cứ ở nơi đâu, mọi thứ đều có mặt đồng thời. Điều này không có nghĩa là chúng ta không hoạch định gì cho tương lai. “Chúng ta có thể để tâm đến tương lai bằng cách để tâm đến ngay trong giây phút hiện tại” (Kabat-Zinn, 2007). Một khi chúng ta có trách nhiệm về những hành động mình làm, chấp nhận hiện tại, buông xả không phán xét, và tin tưởng vào bản thân mình, bạn sẽ khám phá ra nhiều cơ hội mới để thành tựu những mục đích mới mà mình mong muốn để những gì mình làm đem lại kết quả tốt đẹp nhất.
Sau đây là những thói quen tôi thực hành để cuộc sống tốt hơn sau khi trải qua chuỗi ngày sống với bệnh ung thư tuyến tụy, giải phẫu túi tụy và tôi học được cách sống với bệnh tiểu đường loại I mà không buồn bực, sân hận hay sợ hãi:
– Tôi chú tâm để nhìn thấy cái đẹp, cái tốt của thế giới quanh mình một cách có chủ ý.
– Tôi nhìn và giải thích nhiều vấn đề theo hướng tích cực một cách có chủ ý.
– Tôi thực tập thiền chánh niệm mỗi ngày.
– Tôi đọc sách về tâm linh của các tác giả có khả năng truyền cảm hứng cho người đọc.
– Tôi hạ chỉ số phán xét của tôi đến 75%.
– Tôi thật sự buông xả nhiều về sự để tâm vào những kết quả tôi mong đợi.
– Tôi sống với tâm cởi mở, nuôi dưỡng các tình cảm tâm linh như yêu thương, biết ơn, kính sợ và tinh thần vươn lên.
Tôi có cuộc sống an lạc, tràn ngập niềm vui, đầy ắp hân hoan, toại nguyện, yêu thương, làm việc mỗi ngày cũng như viết các bài đăng báo và nhiều cuốn sách về hạnh phúc dạng điện tử, vui chơi và sống trọn vẹn với giây phút hiện tại hoặc tham gia các buổi thuyết trình về đề tài làm thế nào để “Cuộc sống đầy ắp tiếng cười.”
nowandhere
À có một điều tôi quên đề cập đến, tôi không còn sợ chết vì căn bệnh ung thư nữa. Tôi chọn cách tôi sống khi còn đang được sống. Bạn cũng có thể làm như vậy. Bạn không cần tạo thêm một căng thẳng nào khác ngoài những căng thẳng bạn đã tạo ra cho bản thân mình. Các thói quen này chỉ có hiệu quả chỉ khi nào bạn hành động và duy trì thực hành.
Không có thần dược nào cả; chỉ có sự chấp nhận cuộc sống với tất cả những gì chúng ta đang đón nhận, hãy có tâm thế sẵn sàng để chú tâm và ý thức trong giây phút hiện tại. Hãy tập buông xả tâm gắn kết vào những ước mong kỳ vọng kết quả nào đó trong tương lai.
Nếu bạn cho phép mình biểu hiện tâm thiện lành thường xuyên hơn và buông xả những ý niệm bạn cho là đúng, đừng nghĩ đến việc cần một di chúc, không phàn nàn gì cả, thoải mái vui cười mà không cần e dè, bạn có thể sống một đời an lạc và chính đời sống như thế sẽ nuôi dưỡng những gì tinh túy và thâm thúy nhất trong con người bạn. Khi ấy, sẽ không đủ chỗ trên diễn đàn vòng tay bè bạn ở Facebook® để lưu vào đó những người muốn kết bạn với bạn đó thôi!
Một ngày của bạn có đầy ắp những điều làm cho bạn cảm thấy vui, hài lòng và bình an trong một thế giới cho là ‘bận rộn’ này không? Nếu không, những gì bạn cần làm để có được cảm giác hài lòng nhỉ? Tôi mời bạn ghé thăm trang www.cancerrocks.com để hiểu thêm mối liên hệ giữa thân thể, tinh thần và tâm linh để rồi thay đổi những thói quen nhằm có được cuộc sống vui vẻ, hân hoan và bình an và nếu bạn muốn, hãy chọn mục nhận thư chia sẻ về ‘những ý tưởng lành mạnh’ của tôi trên trang nhà.

Reason and Passion


Lý lẽ và Đam mê
Và nữ tu [Almitra] lại lên tiếng và nói: “Giảng cho chúng tôi về Lý lẽ và Đam mê.”
Và [Tiên Tri] trả lời, nói rằng:
Linh hồn của bạn thường là bãi chiến trường, trên đó lý lẽ và phán đoán của bạn khởi chiến chống đam mê và thèm khát của bạn.
Nếu tôi có thể là người hòa giải trong hồn bạn, tôi có thể đổi bất hòa và cạnh tranh giữa các thành phần trong bạn thành hợp nhất và hòa hợp.
Nhưng làm sao được, trừ khi chính các bạn cũng là người hòa giải, không, người yêu thương mọi thành phần trong chính mình.
Lý lẽ và đam mê của bạn là bánh lái và cánh buồm của linh hồn hải hành của bạn.
Nếu cánh buồm hay bánh lái bị gãy, bạn chỉ có thể lăn lộn hay trôi dạt, hay bị đứng yên giữa biển.
Bởi vì lý lẽ, nếu trị vì một mình, là quyền lực tù đày; và đam mê, thiếu cầm chừng, là ngọn lửa cháy đến tự hủy diệt.
Vì vậy, hãy để hồn bạn nâng lý lẽ đến điểm cao của đam mê; để lý lẽ có thể hát ca;
Và để hồn bạn điều khiển đam mê bằng lý lẽ, để đam mê có thể sống qua những tái sinh hằng ngày của nó, như phượng hoàng tái sinh từ tro bụi của chính mình.
Tôi muốn bạn xem phán đoán và thèm khát như hai vị khách dấu ái trong nhà bạn.
Chắc chắn là bạn không nên tôn vinh vị này hơn vị kia, vì ai quan tâm đến một vị khách nhiều hơn sẽ mất tình yêu và lòng tin của cả hai vị.
Giữa những con đồi, khi ngồi dưới bóng mát của bạch dương, chia sẻ bình an và trầm mặc của những cánh đồng và những bãi cỏ xa, hãy để com tim của bạn nói thầm, “Thượng đế an nghỉ trong lý lẽ.”
Và khi bão đến, và cuồng phong lay động cả cánh rừng, và sấm sét công bố vẻ uy nghi của vùng trời, hãy để con tim của bạn nói trong kinh ngạc, “Thượng đế chuyển động với đam mê.”
Và vì bạn là một hơi thở trong không gian của Thượng đế, và một chiếc lá trong khu rừng của Thượng đế, bạn cũng nên an nghỉ trong lý lẽ và chuyển động trong đam mê.
Trần Đình Hoành dịch
© Copyright 2009, TDH
Licensed for non-commercial use
.
passion1
Reason and Passion
And the priestess spoke again and said: “Speak to us of Reason and Passion.”
And he answered saying:
Your soul is oftentimes a battlefield, upon which your reason and your judgment wage war against passion and your appetite.
Would that I could be the peacemaker in your soul, that I might turn the discord and the rivalry of your elements into oneness and melody.
But how shall I, unless you yourselves be also the peacemakers, nay, the lovers of all your elements?
Your reason and your passion are the rudder and the sails of your seafaring soul.
If either your sails or our rudder be broken, you can but toss and drift, or else be held at a standstill in mid-seas.
For reason, ruling alone, is a force confining; and passion, unattended, is a flame that burns to its own destruction.
Therefore let your soul exalt your reason to the height of passion; that it may sing;
And let it direct your passion with reason, that your passion may live through its own daily resurrection, and like the phoenix rise above its own ashes.
I would have you consider your judgment and your appetite even as you would two loved guests in your house.
Surely you would not honour one guest above the other; for he who is more mindful of one loses the love and the faith of both.
Among the hills, when you sit in the cool shade of the white poplars, sharing the peace and serenity of distant fields and meadows – then let your heart say in silence, “God rests in reason.”
And when the storm comes, and the mighty wind shakes the forest, and thunder and lightning proclaim the majesty of the sky, – then let your heart say in awe, “God moves in passion.”
And since you are a breath In God’s sphere, and a leaf in God’s forest, you too should rest in reason and move in passion.

12 dấu hiệu của sự an bình nội tâm


12 dấu hiệu của sự an bình nội tâm

Chọn mặt gởi vàng

Chọn mặt gởi vàng

Thỉnh thoảng một vài thương gia nhờ mình viết hợp đồng liên doanh mở công ty, và lâu lâu mình lại gặp một trường hợp mà vị thân chủ có rất nhiều lo âu với đối tác: “Nếu mai mốt anh ta chơi tôi như vầy, như vầy, thì tôi phải làm sao.” Mình trả lời: “Việc đó thì dễ. Để mình vô hợp đồng câu này, thì tránh việc đó được.” Môt hồi sau, vị thân chủ nhắc đến một vấn đề khác: “Nếu anh ta lại tính như vầy, như vầy thì sao?” Mình đương nhiên là ghi thêm vào hợp đồng một câu mới. Một hồi sau đó, vị thân chủ lại nhắc thêm một vấn đề khác: “Còn nếu anh ta lại làm vầy, làm vầy, thì sao?” Đến lần thứ ba như vậy, mình thường thường ngưng viết, nhìn thẳng mặt vị thân chủ và nói: “Dĩ nhiên là mình có thể ghi thêm một câu đề phòng mới. Nhưng mình có vấn đề quan trọng này muốn nói với anh trước. Mình có cảm tưởng là anh không tin tưởng người bạn này và hơi lo lắng về việc anh ta chơi xấu anh phải không?” Câu trả lời mình thường nghe được là, “Cũng không phải là không tin, nhưng đề phòng trước vẫn hơn.”
Lúc đó mình thường nói câu này: “Mình làm việc này lâu rồi, thấy đủ mọi lý do cãi nhau rồi. Dĩ nhiên là làm thương mãi thì nên có hợp đồng để công việc rõ ràng, khỏi tranh cãi và mâu thuẫn. Nhưng mình đã thấy những hợp đồng dài cả trăm trang, hai bên mỗi bên có cả một nhóm luật sư chứ không phải một người. Ký xong, khoảng chừng sáu tháng một năm là cả hai bên đưa nhau ra tòa. Lý do không phải là luật sư của họ dở. Lý do là hai bên không tin nhau ngay từ đầu. Hợp đồng chỉ là tờ giấy. Tờ hôn thú không giữ được vợ chồng. Mình có cảm tưởng là anh không tin ông bạn này của anh tí nào. Đó là dấu hiệu làm ăn với nhau rất nguy hiểm, rất dễ đổ vỡ. Nếu công ty mới mở một thời gian mà hai người cãi nhau là công ty chết ngay. Mình có thể không nói gì, cứ lẳng lặng làm hợp đồng theo ý anh muốn và lấy tiền bỏ túi. Mấy tháng nữa, nếu hai người kéo nhau ra tòa, anh lại trả tiền cho mình để ra tòa. Nếu anh thực sự muốn làm tiếp hợp đồng, mình vẫn có thể tiếp tục hôm nay. Nhưng vấn đề này rất quan trọng, mình phải nhắc anh rồi tùy anh định liệu. Mình nghĩ là anh nên về nhà suy nghĩ một vài bữa, một tuần. Nếu sau đó anh thấy là anh nên làm ăn với ông bạn này, anh em mình có thể viết hợp đồng bất kỳ cách nào anh muốn, đâu có trễ?”
Ký hợp đồng
Ký hợp đồng
Trong các vụ mình cố vấn như vậy, chưa thấy có vụ nào mà người thân chủ tiếp tục dự án làm ăn. Điểm mình muốn nói ở đây là quá nhiều người trong chúng ta quên mất qui luật căn bản nhất trong liên hệ con người: “Người ta phải yêu nhau trước khi ở chung, không thể ở chung trước rồi yêu nhau sau. Hợp đồng ở chung không đưa đến tình yêu.” Liên doanh thương mãi cũng là một loại giá thú, nhất là liên doanh giữa vài cá nhân sẽ làm việc chung hằng ngày—họ sẽ phải sống chung mỗi ngày nhiều giờ hơn là sống chung với vợ/chồng ở nhà. Nếu không tin nhau, ai mà lấy nhau. Vậy thì, tại sao mình lại liên doanh với người mình không tin?
Trong các lớp học về lãnh đạo và quản lý, người ta luôn luôn đặt “vision” hay “mục tiêu tối hậu” của dự án lên hàng đầu—dùng vision để kéo mọi người vào với nhau, giữ mọi người chặt vào nhau. Dĩ nhiên là điều này đúng, nhưng không mấy ai nói thêm rằng, đối với những người lãnh đạo sáng lập công ty, thường là họ đã thân thiết nhau và tin cẩn nhau trước khi họ có vision, trước khi họ lập công ty.
Vì lòng tin cần một thời gian khá lâu để xây dựng, thông thường người ta chỉ tin những người đã quen biết lâu năm, tức là những người bạn mình đã thân lâu năm. Vì vậy, đừng ngạc nhiên nếu bạn đang thất nghiệp, bỗng nhiên có cú điện thoại từ một người bạn cũ, bây giờ đang là tổng giám đốc một công ty, cần bạn giúp một tay để quản lý công ty. Trong đời sống thương mãi, những chuyện như vậy xảy ra hầu như hằng ngày.
Lý lẽ này có hai ứng dụng quan trọng. Thứ nhất, bạn bè của mình là vốn liếng rất lớn của mình. Cho nên hãy quí tình bạn và nuôi dưỡng nó từ lúc này. Càng lâu ngày, tình bạn càng cho mình nhiều hoa trái. Càng về sau, hoa trái càng thơm tho ngọt ngào. Thứ hai, bạn bè của mình cũng là nơi mà tiếng tăm của mình bắt đầu. Trong giới thương mãi và chính trị, chuyện như thế này thường xảy ra: “Chị Hà, chị làm việc với anh Tuấn mấy năm liền, em nghe nói anh ấy rất giỏi về vi tính, tính mời anh ấy qua bên em làm việc, nhưng không biết anh ấy thế nào. Chị thấy anh ấy thế nào?” Dĩ nhiên là câu trả lời của chị Hà trong tình huống này có ảnh hưởng rất lớn. Vì vậy, cách sống của mình với bạn bè và những người gần gũi mình có thể ảnh hưởng đến cuộc đời mình lớn lao hơn mình nghĩ. Và tiếng tăm mình có ngoài xã hội, phần lớn cũng là từ tiếng tăm mình có với những người gần gũi. Nếu thành thật đứng đắn với bạn bè, tức là thành thực đứng đắn với xã hội. Nếu bạn bè mình không thể tin lời mình nói, thì cả xã hội rồi cũng thế thôi. Dĩ nhiên ở đời vẫn thường có những chuyên gia chuyên lừa bịp người lạ, nhưng đó chỉ là một hai lần rồi chạy, phải không? Trong trường kỳ, chỉ có danh tiếng thực là đứng vững.
Bạn tốt
Bạn tốt
Trở lại vấn đề công ty, giã sử hai người thành lập công ty thân nhau và tin nhau. Nhưng các nhân viên là người mới, làm sao để họ có thể tin tưởng và gần gũi nhau? Thưa, đó là do các vị lãnh đạo. Nếu các vị ấy thành thật đứng đắn thì tự nhiên mọi người trong công ty sẽ thành thật đứng đắn theo, và cả công ty sẽ có danh tiếng thành thật đứng đắn. Nếu lãnh đạo dối trá, từ từ toàn thể cấp dưới cũng thế, và cả công ty sẽ có tiếng là không thành thật trên thị trường. Người tốt rồi cũng tìm cách rời công ty, hoặc nếu có ở lại thì cũng chỉ rất thụ động và tiêu cực.
Ảnh hưởng từ tâm của mình, đi ra đến bạn bè của mình, lan rộng ra cả mọi người trong công ty hay cộng đồng của mình, đi dài theo cả đời mình, rất là mạnh mẽ và trực tiếp, các bạn a. Quả tim của mình có sức mạnh nhiều hơn mình tưởng. Và trong tất cả các ảnh hưởng, có lẽ lòng thành thật (hay không thành thật) là ảnh hưởng ra ngoài mạnh nhất. Người ta có thể gần gũi với người tự cao, người tự ti, người yêu nước, người không yêu nước, người giỏi, người dốt. Nhưng không ai dám gần gũi người không thành thật. Sống chung với họ cứ như là “ngủ với kẻ thù.”
Trong năm đức tính làm người của Khổng giáo—nhân lễ nghĩa trí tín—tín tức là lòng thành thật, đứng cuối cùng. Theo Khổng giáo, nếu mất nhân thì nhờ đến lễ, mất lễ thì nhờ đến nghĩa, mất nghĩa thì nhờ đến trí, mất trí thì nhờ đến tín, mất tín thì chịu thôi!

Vốn và sử dụng vốn tự có

Vốn và sử dụng vốn tự có
ABất kỳ cái gì trên đời cũng đều sinh ra từ một cái gì trước đó. Bất kỳ đời ta sau này sẽ thế nào, nó bắt buộc phải sinh ra từ cuộc đời của ta hiện tại, và bất kỳ ta muốn phát triển tương lai của mình thế nào, tương lai đó phải sinh ra từ vốn liếng hiện tại và hiệu năng trong việc sử dụng vốn hiện tại. Vốn và sử dụng vốn là hai vấn đề căn bản nhất của một thực thể, dù thực thể đó là “Công ty du lịch Xanh” hay “Đời Tôi.”
I. Hãy nghiên cứu về vốn liếng của một công ty trước khi vào “Đời Tôi,” vì công ty thì dễ thấy hơn, và chúng ta ít ra cũng đã học qua một tí trong đại học. Vốn liếng của một công ty gồm tiền, nợ từ người khác, bất động sản (đất đai nhà cửa), tài sản di động (máy móc), tài sản vô hình (sở hữu trí tuệ–bằng sáng chế, bản quyền và kiến thức bí mật; danh sách khách hàng, giá trị thặng dư, gọi là “lòng tốt” hay good will trong kế toán). Hết rồi. Các bạn còn nghĩ ra điều gì nữa không?
Nếu bạn học kinh tế, thương mại hay kế toán, thì vốn liếng của một công ty chỉ có vậy. Nhưng nếu bạn đã thực sự làm thương mại, có lẽ bạn đang có cảm tưởng là danh sách này có gì không ổn. Thiếu cái gì đó, phải không? Dĩ nhiên rồi. Cái thiếu đó là “con người”—nhân viên và khách hàng. Nếu bạn đã làm chủ một công ty, chắc chắn bạn sẽ đồng ý là vốn liếng quan trọng nhất cho một công ty là những người làm việc với mình (partners, phụ tá, nhân viên) và khách hàng của mình. Tất cả những gì khác—tiền bạc, nhà cửa, máy móc, sở hữu trí tuệ—đều là yếu tố thứ yếu.
Cùng nhau
Cùng nhau
Tiền cũng vô ích nếu người của mình chỉ biết phá tiền chứ không làm tiền. Giấy nợ cũng vô ích nếu người của mình không biết cách thu tiền nợ. Bằng sáng chế cũng vô ích nếu người của mình không sáng chế (chứ đừng nói là sáng chế thêm). Về khách hàng thì, một công ty nhỏ ở Mỹ tốn trung bình khoảng ba trăm đô la (300 USD) tiền quảng cáo và tiếp thị để có được một (1) khách hàng mới đặt chân vào cửa công ty. Đặt chân vào một lần thôi nhé, có mua gì hay có trở lại lần thứ hai hay không, lại là một chuyện khác. Tuy nhiên, nếu một khách hàng hiện thời của mình thích mình, người đó có thể giới thiệu 10 người bạn đến, mà mình chẳng tốn một xu. Các bạn có thể tính ra lời lỗ chưa?
Gốc rễ quản lý công ty là chỗ này: Nhân viên của mình phải vui vẻ và khắng khít như anh em. Khách hàng của mình cũng vui vẻ và khắng khít với mình như anh em. Đây là yếu tố bách chiến bách thắng. Hỏi các danh tướng lừng danh thế giới của ta hiện đang còn sống, nhất định là các vị ấy sẽ đồng ý như thế. Nhân viên chính là lõi cùa bánh xe đạp, khách hàng là vành xe, và liên hệ giữa nhân viên và khách hàng là các tăm xe. Nếu một trong ba điều này—lõi xe, tăm xe hay vành xe–mà yếu, thì bánh xe sẽ gãy. Và vành xe mạnh là nhờ lõi xe và tăm xe mạnh. Mà tăm xe mạnh là nhờ lõi xe biết làm việc. Tất cả cũng qui về cái lõi. Tất cả các khóa học về quản trị nhân viên, liên hệ quần chúng (public relations) và tiếp thị, chung qui cũng chỉ nhằm cho được ba điều này, và tất cả rồi cũng qui về điểm cốt cán nhất—nhân viên.
II.A. Cuộc đời của mình cũng vậy. Khi nói đến vốn liếng của mình ta thường nghĩ đến những gì sờ mó được, thấy được, như sắc đẹp, kiến thức, bằng cấp. Đôi khi ta có nghĩ đến các vốn liếng vô hình, nhưng có thể viết lên résume, như là kinh nghiệm làm việc. Nhưng rất ít khi ta thực sự nghĩ đến vốn liếng quan trọng nhất: con người—chính con người mình, và những người trong vòng thân thiết của mình.
Cùng vui
Cùng vui
Con người mình có rất nhiều giá trị, chứ đâu phải chỉ là những gì người ta thấy được và những gì mình có thể để trên resume đâu. Hãy xem thử những vốn liếng ta có mà không bao giờ thấy trên resume:
• Lòng vị tha: Cả đời chúng ta được huấn luyện đặt “ta” làm trọng tâm của suy tưởng, “người” thì cũng có, nhưng chút ít thôi. Cho nên đa số chúng ta suy tưởng và hành động hằng ngày cho 3 mục tiêu chính: “Tôi, cho tôi và của tôi.” Người nào có lòng vị tha mạnh, tức là rất hiếm có. Mà cái gì đã hiếm là quí giá và đắt tiền.
• Đức điềm tĩnh: Khi mọi người chung quanh sợ hãi đến đông lạnh, ta vẫn điềm tĩnh nghiên cứu vấn đề. Khi mọi người chạy theo tiếng gào thét của đám đông, ta vẫn điềm tĩnh đi đường của ta.
• Lòng khiêm tốn: Những người có resume dài, thường dễ bị bệnh tự cao. Trong trường kỳ, lòng khiêm tốn luôn luôn mang lại chiến thắng.
• Đức tự tin: Ta tin vào chính mình, chứ không phải miếng giấy ta có gọi là miếng bằng, hay là lời khen chê của người khác. Những người có lòng khiêm tốn thường rất tự tin. Ngược lại những người tự cao thường thiếu tự tin.
• Khả năng lắng nghe: Tìm được người biết lắng nghe trong thiên hạ khó gần như mò kim đáy biển. Nếu không thì nhân dân tại các quốc gia đâu phải gào thét khản cổ, mà nhà nước, toàn là các vị nhiều bằng cấp, vẫn không nghe được. Bao nhiêu bà vợ thét gào ngày đêm mà đức ông chồng ngồi đó có nghe thấy gì đâu? Khả năng lắng nghe quan trọng đến mức mà nếu bạn tập được tính lắng nghe, bạn sẽ đương nhiên có thêm được bốn đức tính nói trên.
Trên đây chỉ là nói qua một vài ví dụ. Nếu bạn ngồi làm một danh sách những vốn liếng của chính bạn, thì đương nhiên là danh sách đó dài hơn rất nhiều. Viết ra rồi, thì nhớ rằng đó là vốn liếng mình có, phải mang ra sử dụng hằng ngày, trong nhà, ngoài đường, ở sở làm. Mình phải biết sử dụng vốn liếng khôn ngoan để làm mình vui hơn, thân nhân bạn bè chung quanh gần gũi mình hơn, và công ăn việc làm thành đạt hơn. Nếu nghiên cứu những người thất bại cả đời, bạn sẽ thấy ngay yếu tố đầu tiên là họ không thấy được vốn liếng họ có, hoặc có thấy thì họ vẫn không tin đó là vốn liếng có thể dùng được: Ví dụ: Nhiều người bản tính thành thật nhưng lại được chỉ dạy và tin rằng buôn bán thì phải gian dối mới thành công.
Cùng lên đỉnh Everest
Cùng lên đỉnh Everest
II.B. Ngoài chính mình, vốn liếng “con người” của mình còn là những người trong vòng thân thuộc của mình—gia đình và bè bạn. Điều này thì không cần nói nhiều ai cũng thấy—người nào có gia đình bè bạn thành công thì mình cũng rất dễ thành công theo. Trong thế giới chính trị kinh tế thương mãi, bạn bè luôn luôn làm việc với nhau và nâng nhau lên. Và khi mình bị vấp ngã, kẻ thù của mình vỗ tay, khách bàng quang đứng nhìn rồi quay đi, chỉ có gia đình và bạn bè là còn lại. Họ là nơi trú thân và tịnh dưỡng của mình lúc đó, để hồi phục, và mở trận chiến kế tiếp.
Mà gia đình bạn bè chỉ có thể gần gũi mình nếu mình yêu họ, quan tâm đến họ, lo lắng cho họ, chia sẻ với họ. Đây là điều ai trong chúng ta cũng biết, chúng ta không cần phải nói nhiều ở đây. Mình chỉ muốn nhắc qua vài điểm quan trọng mà thôi:
1. Bụt nhà không thiêng: Vợ anh hàng xóm luôn luôn thông minh và đẹp hơn vợ mình. Bố mẹ anh em của người khác, nhất là những người được lên TV, luôn luôn hay hơn bố mẹ anh em mình. Hãy bắt đầu xem xét kỹ những gì bạn đang có trong nhà đi. Mấy ông hàng xóm cũng có thể là đang mơ người của bạn đó.
2. Vui cái vui của bạn: Ta có thể đau cái đau của bạn bè dễ dàng, nhưng chưa chắc là vui được cái vui của bạn, vì hay ganh tị. Đây là “hỉ” trong từ bi hỉ xả, tứ vô lượng tâm của Phật gia. Chưa vui được cái vui của bạn, thì chưa thực là bạn đâu.
3. Cho nhau chỗ tựa: Khi bạn mình thật sự xuống dốc, sự có mặt của mình rất quan trọng, dù là mình chẳng biết nói, và đôi khi chẳng nên nói, gì cả. Ví dụ: Một người bạn mới mất chồng, mình đến rủ bạn đi shopping, mà không cần mua gì, cũng chẳng nói gì. Chỉ cần là lý do để bạn mình ra ngoài một tí. Đây là một cử chỉ vô giá mà chỉ bạn bè mới làm cho nhau được.
4. Mỗi người một đường: Cuộc đời từ từ sẽ đưa mỗi người trưởng thành một hướng khác nhau, kể cả anh em, bạn bè, và cả vợ chồng. Đừng ép nhau phải đi cùng một hướng, và cùng một vận tốc. Ngược lại nên khuyến khích mỗi người phát triển tối đa con người của họ, theo hướng họ lựa chọn. Giá trị của tình anh em, tình bạn, và tình vợ chồng, chỉ có ở chỗ là mình ủng hộ, nâng đỡ, khuyến khích người đó trên con đường họ đi, trên sự nghiệp họ chọn.
5. Trung thành: Khi bạn của mình (hay thân nhân, chồng vợ) của mình bị cả thế giới chối bỏ, mình có đủ trung thành để đứng gần họ và nói “tôi là bạn của anh” cho họ nghe không? Và nếu cần thì cả thế giới cùng nghe không? Kể cả khi bạn mình sai 100% không? Kể cả khi mình biết chắc 100% là bạn mình sai 100% không? Bạn có biết chuyện Phê-rô chối thầy của mình ba lần không? Đứng thì khó, chứ chạy trốn và chối từ thì rất dễ, vì đó là bản tính tự nhiên, bạn ạ.
Đứng bên cạnh bạn mình, không có nghĩ là đồng ý với bạn mình, nhưng có nghĩa: “Dù sai dù đúng, bạn cũng là bạn của tôi. Bây giờ thế giới ruồng bỏ bạn, nhưng vẫn có tôi.” Nếu bạn mình đúng thì là bạn, bạn mình sai thì không còn là bạn, thì tình bạn khác gì “tình người đi chợ” mới gặp nhau giữa chợ? Trong một thế giới rất nhiều thay đổi, ít ra phải có một cái không thay đổi—đó là lòng trung thành, các bạn ạ.
Dĩ nhiên, ở đây ta chỉ tóm tắt vài điểm để có được khái niệm về vốn liếng thật sự của mình, để mình quan tâm đến, thấy rõ được sự giàu có của mình. Và sử dụng vốn liếng ấy một cách hiệu quả, để mình vui vẻ hạnh phúc hơn, và thành công hơn, dù mình định nghĩa thành công như thế nào. Triết gia Hy Lạp Sophocles nói: Người ngu dốt không biết đồ quí họ đang nắm trong tay, cho đến khi họ đã ném nó đi. Đúng như vậy. Bao nhiêu người chúng ta chạy theo những gì bên ngoài để tìm thành công và hạnh phúc, trong khi vốn liếng quan trọng nhất của thành công và hạnh phúc đã luôn luôn có đó, trong chính mình, và những người trong vòng tròn thân thiết của mình?

Khó Khăn


Đã là con người thì ai cũng thích mọi sự dễ dàng—không làm mà tiền vẫn tới, không cày mà ruộng vẫn tươi, không phân bón mà cây vẫn tốt. Người nào nói mình không thích sung sướng thoải mái như vậy, chắc là hơi bệnh trong đầu rồi. Khổ nỗi cuộc đời không thiên đường như thế (kể từ khi Eve khuyến dụ Adam ăn trái cấm và cả hai bị đuổi khỏi vườn địa đàng 
:-)
 Hmm… đàn bà… Không biết Thánh Kinh bôi bác đàn bà hay là nói lên một sự thật căn bản của con người—từ khai thiên lập địa, đàn ông đã bị phụ nữ xỏ mũi kéo đi? 
:-(
 ).
Đằng nào đi nữa thì ngày nay ta cũng phải đối diện với một cuộc đời đầy khó khăn và thử thách, đòi hỏi mồ hôi, nghị lực, và chiến đấu. Nhưng không sao, mình có tin vui cho các bạn, kể cả các bạn không thích đổ mồ hôi, hao nghi lực, hay phải chiến đấu: Bản chất kinh tế của đời sống tạo ra qui luật căn bản là những việc càng khó khăn thì càng mang lại nhiều phần thưởng. Việc càng dễ dàng thì càng nhiều người vào làm, mà càng nhiều người cạnh tranh lao động, thì giá lao động, hay phần thưởng lao động, càng thấp. Ví dụ: Làm nhân công may trên dây chuyền của hãng may thì dễ hơn làm bác sĩ—ít tốn thời giờ học ở trường, và không phải học các môn khó khăn như bác sĩ. Vì vậy, nhiều người có thể làm hãng may hơn làm bác sĩ. Giá lao động may, do đó, thấp hơn giá lao động bác sĩ. Tương tự như vậy, bán hàng rong cũng ít lời hơn là mở tiệm phở, vì hàng rong đòi hỏi ít kiến thức và vốn liếng hơn.
Như vậy, dĩ nhiên là công việc càng khó khăn thử thách, thì càng ít người muốn làm, càng ít người đủ khả năng làm, và người nào vào làm thì đương nhiên là sẽ có những phần thưởng lớn. Vì vậy, sinh viên thường thích vào những đại học khó vào, chuyên gia thường thích vào những công ty khó vào, doanh nhân thường thích vào những kỹ nghệ khó vào. Điều này lại càng đúng hơn với những người tiên phong—khai phá một khu đồi hoang, khai phá một kỹ nghệ mới, nghiên cứu một khí cụ mới. Những lãnh vực chưa ai khai phá, hoang vu, thì luôn luôn chứa nhiều khó khăn, khó khăn đến nỗi chưa ai muốn làm, chưa ai dám làm. Vậy thì đó chính là chỗ ta muốn vào, một mình một rừng, chiến đấu với muôn mãnh thú, cho đến khi ta làm chủ mảnh rừng.
Hơi khó, nhưng tha hồ ăn!
Hơi khó, nhưng tha hồ ăn!
Một đặc điểm của khó khăn là: Khó khăn cũng không khó lắm khi ta tự đâm đầu vào, nhưng sẽ trở thành rất khó khi ta bị ép vào. Và qui luật này chính là cái làm khó khăn thực sự trở thành khó khăn. Ví dụ: Một chuyên gia đã 10 năm trong nghề, bây giờ mất việc vì khủng hoảng kinh tế. Một người vợ đã 10 năm làm nội trợ nuôi con, bây giờ ly dị phải lao vào thị trường lao động. Đây thực sự là những khó khăn người ta chỉ gặp một hay hai lần trong đời, và mỗi lần phải đối diện nó mà một khủng hoảng lớn . Và sức ép của nó, cũng như mức độ stress nó tạo ra, cũng thực là kinh khủng. Người ở ngoài cố vấn thì dễ, nhưng đối với người trong cuộc, đó thực sự là một mình đối diện với một núi đá chắn đường, sau lưng là biển cả.
Làm sao để ta đối diện với những khó khăn khủng khiếp như vậy?
Trước hết, làm một ly ca phê (hay một ly bia), ngồi nhâm nhi, suy gẫm truyện “Tái ông thất mã” (Ông già mất ngựa). Trong cái xui nhất định phải có cái hên. Cái mà mình cho là xấu bây giờ, mất việc hay ly dị, nhất định đã có mầm của cái tốt trong đó. Chỉ cần một thời gian là ta sẽ thấy mầm ló dạng thành cây con. Nhưng mầm nào cũng cần thời gian để phát triển. Hãy cho “Nàng Tiên Thời Gian” một tí cơ hội để làm việc của nàng. Đừng quá bồn chồn lo lắng.
Hơn nữa, tính về lý luận xác suất, thì đúng là mỗi lần gặp khó khăn như thế, cơ hội khá hơn sẽ rất cao. Bao nhiêu năm mình đã có kinh nghiệm trong một chỗ, nhưng kinh nghiệm đó không phát tiết được, vì (1) bản chất của ngồi một chỗ thường là như thế–xếp không thấy tài năng của mình, chồng không thấy cái hay cái đẹp của mình. Bụt nhà không thiêng. Nếu phải ra ngoài bây giờ, đây chính là cơ hội để tài năng và phẩm chất của mình được mọi người nhìn thấy và giúp mình phát triển. (2) Kinh nghiệm bao năm mình đã tích lũy (trong văn phòng, hay trong việc làm mẹ), tự nó sẽ giúp mình đi lên một nấc thang cao hơn.
Điều quan trọng ta cần ghi nhớ là hiểu rõ vận hành của stress. Stress luôn luôn đến khi có thay đổi, ngay cả khi thay đổi đó là việc tốt chính mình lựa chọn, như lập gia đình, đổi nhà mới. Bản tính của con người là không thích thay đổi, cho nên nếu có thay đổi là có stress. Hỏi các cô dâu chú rể và các đại gia mới chuyển nhà, thì biết ngay. Khi mình bị ném vào thay đổi trái ý mình, như bị mất việc hay ly dị, thì stress còn cao hơn rất nhiều lần. Cộng thêm vào đó lo lắng—tìm đâu ra việc mới, làm sao lo cho mấy đứa con—stress sẽ tăng thêm một tầng rất cao nữa. Cộng thêm vào đó một cảm giác về sự bất lực và yếu kém của mình—cái cảm giác “mình chẳng đáng gì cả”—stress sẽ tăng thêm một tầng nữa. Những tầng stress này chồng lên nhau như một trái núi khổng lồ, đủ để làm mình tuyệt vọng. Nhiều người bị đau tim và chết trong những tình huống như vậy.
Lội bộ khó, thì ta đi đò
Lội bộ khó, thì ta đi đò
Vì vậy, trước tiên là ta phải biết cách quản lý stress, nếu không stress sẽ đè ta ngợp thở, chẳng làm gì được. Quản lý bằng cách nào?
Thứ nhất, về tư tưởng, ta cần phải nhắc nhở mình thường xuyên truyện “Ông già mất ngựa,” và tin rằng mầm tốt đã bắt đầu cho mình rồi, chỉ cần kiên nhẫn một tí thì sẽ thấy được, như đã nói trên.
Thứ hai, khi cực kỳ khó khăn, cũng như người bị ngã lăn từ trên xuống dưới chân dốc, con đường chỉ còn có một hướng là đi lên mà thôi. Phải nghĩ như thế.
Thứ ba, đừng coi thường mình và nghĩ là mình chẳng đáng gì cả (dù là stress SẼ làm mình nghĩ như thế). Thay vì vậy, hãy nghĩ rằng, vì bản tính con người là không thích thay đổi, cho nên Trời phải đóng ập cửa này, để đẩy mình vào một cửa tốt hơn mà Trời đã mở sẵn cho mình. Trời luôn luôn yêu mình, mình có biết chuyện đó hay không mà thôi.
Thứ tư, giữ thân thể hoạt động thường xuyên—thể thao, tài chí, nhổ cỏ, làm vườn, khuân vác, hay chạy tới chạy lui lo công việc, nhất là đi bộ hay đi xe đạp. Một cơ thể vận động thường xuyên là thần dược chống stress.
Thứ năm, uống một hai hớp (không phải một hai lít 
:-)
 ) rượu chát trước khi ngũ, vừa dễ ngũ vừa tốt cho sức khỏe (Đừng dùng thuốc ngũ. Thuốc ngũ thường tăng stress).
Thứ sáu, tập trung tư tưởng vào “hôm nay”—hôm nay tôi phải làm gì?—và cứ vậy mà làm. Đừng nghĩ đến quá khứ đã qua, và ngày mai chưa đến. Đợi ngày mai đến rồi hãy tính. Ngày nay mà làm tốt, ngày mai có thể có chuyện tốt bất ngờ, chưa thể biết trước được.
Nói chung, là để quản lý stress ta phải suy nghĩ tích cực, giữ cho cơ thể hoạt động, bảo đảm giấc ngũ tốt, và tập trung tư tưởng và hành động vào “hôm nay.”
Trở lại, luận đề “khó khăn.” Ta đã nói khó khăn sẽ mang đến phần thưởng lớn. Nhưng nếu tôi khai phá thương mãi mới mà thất bại thì sao? Ồ, ý bạn nói là công ty bị bankrupt? Thế thì những thích thú bạn đã nhận được trong khi “chiến đấu” thì sao? Và những kinh nghiệm có-một-không-hai bạn đã gặt hái trong tiến trình làm việc thì sao? Đây là loại việc khó khăn chẳng ai dám làm, thành ra kinh nghiệm của bạn là loại vô giá không ai có được, không ai học được, chỉ có mình bạn có. Kinh nghiệm bạc triệu này là vốn liếng cho lần thành công lớn sắp tới của bạn đó!
Tóm lại, đã đối điện và vật lộn với khó khăn thì không lời nhiều cũng lời ít. Đây là cuộc đi buôn không có lỗ, cuộc chiến tranh không thất bại. À, viết đến đây tự nhiên mình nhớ đến đoạn Thánh Kinh kể lại chuyện Jacob vật nhau với Chúa. Sau cuộc vật đó, cuộc đời Jacob chỉ có đường đi lên. Đã bao năm mình không hiểu lý lẽ của “vật nhau.” Gặp nhau đủ rồi, mắc gì mà phải vật nhau? Bây giờ hình như là “hốt nhiên đại ngộ.” Phải chăng lý lẽ đó nằm trong hai câu mình tình cờ mới viết cách đây một phút, bên trên: “Vật lộn với khó khăn” và “Cuộc chiến không thất bại”? Thật là lạ lùng! Câu hỏi nhiều năm trong đầu, tự nhiên ngay lúc này nhảy ra, với cái gì đó như là câu trả lời. Hmm… vật nhau với khó khăn là vật nhau với chính Thượng đế, là cuộc đấu tranh không hề thất bại cho con người sao? Các bạn trả lời hộ mình nhé.

Làm sao để nhận chữ “Không”?

Làm sao để nhận chữ “Không”?

Có một nỗi sợ hãi đè nặng trên nhiều người trong chúng ta từng phút, từng ngày, cả đời, dù là thường khi họ không nghĩ đến và biết đến. Đó là nỗi sợ bị chối bỏ, sợ không đạt được cái đang nhắm đến. Nói chung là sợ chữ “Không”—không chấp nhận, không đồng ý, không được, không thành.
Rất nhiều quyết định ta làm trong ngày vì sợ chữ “không,” mà chính ta cũng không nghĩ đến. Đọc thông tin về học bổng, có cảm tưởng “không tới lượt mình,” bèn đọc qua mục khác. Đọc thông tin về tuyển dụng công việc, cũng thế. Đó là chưa nói đến không đi tìm việc và không gửi thơ xin việc đi đâu cả, vì “mình không có liên hệ lớn thì vô sao được.” Tối ngày làm thơ “đời tôi cô đơn,” vì “yêu nhiều, nhưng làm quen thì chẳng dám bao nhiêu.” Bao nhiêu năm mơ tưởng làm chủ công ty của mình, nhưng vẫn cứ mơ hoài vì “chưa đủ kinh nghiệm làm ăn.” Và bao nhiêu trẻ em bỏ học vì tin rằng mình không đủ sức để học hành gì cả?
Có lẽ ai trong chúng ta cũng đã bị chữ “không” cản trở rất rất rất nhiều lần trong đời. Nhưng tại sao ta lại sợ “hắn” đến thế? Mời cô ấy đi ăn thì cùng lắm là cô ấy nói không, có động đất đâu? Gởi thơ tìm việc thì cùng lắm là mất một lá thơ và tí tiền tem, mắc gì mà sợ? Nhưng sự thực là chữ “không” làm rất nhiều người “đông lạnh.” Sở dĩ như vậy là vì chữ “không” có ma lực làm ta phải đối diện chính mình, đối diện giới hạn của mình, đối diện cái bất toàn của mình, cái yếu đuối của mình.
Ái da!
Nhưng đây là điểm cốt yếu—dĩ nhiên là con người thì giới hạn, bất toàn, và yếu đuối. Superman chỉ có trong tiểu thuyết và xi-nê. Con người tự nhiên không cao quá 2 thước, không nặng quá 100 kg, không sống quá 100 trăm, không nhảy cao quá 3 thước, sống không thể không bệnh. Ta không phiền hà gì với những giới hạn này cả, thì mắc mớ gì ta phải ngại tìm việc không được, mời người không đi, nói người không nghe? Cuộc đời của ta, từ đầu đến cuối đương nhiên là bao vây bởi chữ “không,” tự nhiên như cây cỏ. “Không” thì rất dễ–chỉ cần không ăn, không học, không làm, thì đương nhiên là mình sẽ có tất cả những cái không khác của thế giới. “Có” thì mới đáng nói.
Ái da!Hơn nữa, những chữ “không” mà ta nhận được hàng ngày, thường chẳng ăn nhập gì đến giá trị của ta cả. Xin việc không được, không phải là mình yếu, nhưng có thể là vì công việc đó đã vào tay người khác trước khi mình nộp đơn, hay tài năng của mình không thích hợp với việc đó bằng các việc khác. Bán mà người không mua, không hẳn là mình không biết bán, mà vì người ta chưa cần cái mình đang bán. Mời người đi không được, có thể vì người ta đã có ai đó trước rồi. Không có lý do gì mà mỗi khi nhận được chữ “không”, ta cứ phải đập đầu vào tường: “Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi.”
Lại nữa, ở đời đương nhiên là ta gặp “không” nhiều hơn “có,” vì thường là có 100 lá đơn xin việc cho chỉ một việc, 10 công ty mới thì khoảng 2 công ty thành công, 10 người khách thì khoảng 2 người mua hàng, 5 cây si thì chỉ một cây được chọn. Cứ theo xác suất mà tính thì ai trong chúng ta cũng gặp “không” nhiều hơn “có.” Vì vậy, thay vì cứ ngồi đó mà suy nghĩ nhảm nhí về “cái dở của tôi,” ta cần phải biết suy tính logic và khoa học hơn. Nếu trung bình có khoảng 100 lá đơn xin việc cho 1 việc, thì tôi cứ gởi 100 lá đơn ra ngoài, như vậy gần như chắc chắn là sẽ có được một việc làm. Nếu tôi chuẩn bị nghiên cứu kỹ càng trong khi viết đơn, thì có thể tăng xác suất thành công lên gấp 3, tức là nếu gởi 100 lá thơ đi, có thể được 3 nơi mời đi làm. Nếu tôi còn vận dụng các đường giây quen biết để tìm việc, có thể tăng xác suất lên gấp đôi nữa, tức là khoảng 15 lá đơn thì được một việc.
Đợi năm tới đấu lại thôi
Đợi năm tới đấu lại thôi
Hơn nữa, ta còn phải biết nhìn chữ “không” một cách tích cực theo xác suất: Mỗi chữ “không” là một bước tiến gần đến “có”. Sáng nay đã 3 bà khách không mua gì rồi, cùng lắm là một hai bà “không” nữa thì nhất định phải đến bà “có.” Đã 20 lá thơ tìm việc rồi, không được gì, cùng lắm là 10 lá nữa thì cũng phải được việc gì đó. “Có” là quán trọ để ăn, ngũ và nghĩ ngơi, phía trước; “không” là những bước đi hiện thời; không thể đến được quán “có” nếu không có những bước “không.” Cho nên, ta phải biết cách đếm chữ “không” một cách tích cực—một không, hai không … mười không … mười lăm không … hmm.. vậy thì “có” cũng gần lắm rồi.
Ngoài ra, mỗi lần được một chữ “không” ta lại học thêm một tí kinh nghiệm. Sau 15 lá đơn xin việc không kết quả, ta đã học thêm được rất nhiều kinh nghiệm tìm việc, để nâng xác suất từ mức trung bình 100/1 thành mức rất cao 10/1. Nếu vì lý do may mắn nào đó mà ta đã được công việc ngay từ lá đơn đầu tiên (như là nộp đơn vào công ty do mẹ làm chủ), ta đã không thể học được một tí kinh nghiệm tìm việc nào. Mà kinh nghiệm chính là vốn liếng không bao giờ mất, không bao giờ hao mòn. Bạn không thể nói trước được là trong tương lai, một kinh nghiệm nhỏ nào đó mình có—như là kinh nghiệm làm tiếp viên nhà hàng—lại có thể giúp mình trong một việc lớn nào đó—như là được mời hùn vốn mở một nhà hàng lớn.
Vì vậy, những người bị chữ “không” làm đông lạnh, thật rất đáng tội nghiệp. Nguyên do chỉ vì họ không hiểu được tính xác suất của đời sống và không hiểu được ý nghĩa thực sự của “không”—một bước tiến về cái “có”. Cuộc đời họ trở thành nghèo nàn và thụ động một cách đáng thương. Cả một thế giới rất rộng lớn, rất nhiều cơ hội, rất nhiều thử thách ngoài kia, các bạn ạ. Ta chỉ cần mở cửa bước ra đường, dấn thân vào đời một tí, là sẽ khám phá được bao nhiêu điều hay đẹp, và bao nhiêu người hay đẹp.
Sau cùng, mình muốn để lại với các bạn một câu hỏi. Dĩ nhiên là ta biết nói với ta, “Không là một bước đến gần có.” Nhưng nếu một người bạn đang cố đẩy một công việc gì mà cứ bị hỏng, ta nói, “Hay lắm. Cố đi. Làm hoài thì cũng phải được. Mình rất phục tính kiên trì của bạn,” hay là ta thầm nói, “Chẳng biết gì hết mà cũng đòi làm”? Và khi trả lời câu này, bạn nên nghĩ đến việc làm thế nào để giáo dục trẻ em thành năng động và tích cực.