Cách đây nửa năm, tôi bất ngờ xin nghỉ việc ở một công ty mà nơi đó tôi đang có tất cả: sự tin tưởng của sếp, công việc ổn định, mức lương rất cao (tôi dùng từ ‘rất cao’ là so với mặt bằng chung của ngành xuất bản), địa vị, các mối quan hệ, sự nể trọng của các cộng tác viên, và quan trọng là khả năng tài chính càng về sau sẽ càng vững chắc (dựa vào những gì tôi quan sát thấy ở những người đi trước, mô hình làm việc đã trở thành kịch bản, tính cách của sếp tôi, và cả ý thức của chính tôi về vai trò của mình). Và đó cũng là nơi tôi từng chấp nhận bỏ qua cơ hội được đi du học Mỹ của mình để ở lại cống hiến.
Có nhiều lý do khiến tôi quyết định nghỉ việc. Nhưng quan trọng nhất là khi tôi thấy tôi đang dần đánh mất chính mình.
Gần 6 năm về trước, khi là nhân viên mới chập chững bước vào công ty, tôi đón nhận cú sốc đầu đời. Đó là lần đầu tiên tôi hiểu thế nào là “môi trường công sở ghê lắm” mà những người đi trước vẫn thường nói với các sinh viên mới ra trường để giúp họ hình dung rõ hơn về một môi trường không bình yên như nơi giảng đường. Tôi đón nhận cú sốc trong hoang mang, và tôi có ý định nghỉ việc ngay lập tức. Tôi đã gọi cho một anh đồng nghiệp mà tôi cảm thấy tin tưởng nhất, tin tưởng vì anh nhiều tuổi hơn tôi rất nhiều, tin tưởng vì anh đã gắn bó với công ty gần chục năm. Anh đã nói với tôi: “Anh không biết em đang gặp chuyện gì, nếu em vượt qua được thì tốt, còn nếu không, thì anh khuyên em nên mạnh dạn quyết định, đừng để như anh, đến bây giờ anh vẫn sống, vẫn làm việc, vẫn đóng góp, nhưng anh không còn là anh nữa. Nhưng anh không còn lựa chọn nào khác. Và đó là điều hối tiếc lớn nhất của anh.” Câu nói đó của anh tôi không hiểu lắm – lúc đó. Nhưng nó lại góp một phần nhỏ trong quyết định tôi ra đi sau này – sau khi tôi đã trải qua gần 6 năm để hiểu hơn về mọi việc.
“Đánh mất chính mình” nghe thật trừu tượng. Ai cũng nói, và có thể không bao nhiêu người thực sự hiểu – nếu họ chưa thực sự trải qua. “Đánh mất chính mình” của tôi đơn giản là những gì tốt đẹp trong con người tôi, những phẩm chất quý giá của tôi, những giá trị sống của tôi, những chuẩn mực đạo đức của tôi, những ứng xử mực thước của tôi… – theo năm tháng, bị bào mòn dần. Thay vào đó là những suy nghĩ, hành động, lời nói, ứng xử… mà tôi không bao giờ có thể chấp nhận – ở bản thân mình và ở người khác.
“Đánh mất chính mình” là khi mình không muốn trở thành con người đó – nhưng mình lại rất dễ bị biến thành con người đó, rất dễ bị tác động để biến thành con người đó – bởi chính những người mình cùng làm việc mỗi ngày. Để rồi mỗi tối sau khi mệt mỏi từ công ty trở về, bạn đứng trước gương, tự vấn: “Sao hôm nay mình lại nóng nảy như vậy?”, “Sao hôm nay mình lại nói những lời nặng nề như vậy?”, “Sao mình lại cư xử như vậy? Đó đâu phải là mình? Ít ra đó không phải là con người mà mình muốn trở thành. Vậy thì tại sao?”
Tôi đã trải qua một khoảng thời gian khá lâu để đi tìm câu trả lời.
Và đến một ngày, tuy chưa thực sự biết câu trả lời, chỉ biết rằng hình như lửa đam mê trong mình đang dần tắt, tôi quyết định sẽ không để mình trượt dài, mà tôi sẽ phải đi tìm lại những điều quý giá mà tôi luôn trân trọng. Ai đó có thể đánh đổi những điều quý giá bên trong họ để đổi lấy cảm giác an toàn và chắc chắn trong cuộc sống, nhưng tôi thì không. Có thể vì mục đích sống của mỗi người khác nhau.
Tôi ứng tuyển vào công ty TGM của tôi bây giờ – tôi luôn gọi nơi mình làm việc là “công ty của tôi”. Ngày sếp tôi phỏng vấn, chị hỏi tôi: “Theo chị được biết thì em đang có một công việc rất tốt ở First News, sao em lại quyết định thay đổi?” Tôi hơi bối rối. Vì để một người mới gặp lần đầu có thể hiểu hết những cảm xúc đã diễn ra trong con người mình suốt một khoảng thời gian dài đã qua quả thật rất khó. Ngoài ra, bạn còn mang nặng một trách nhiệm là tuyệt đối không được mất kiểm soát để kể quá nhiều về những gì bạn đã trải qua ở công ty cũ, không được nhắc đến những lý do khiến bạn ra đi, không được thể hiện cảm xúc quá mức, vì nếu không, với một người chưa hiểu bạn, họ sẽ nghĩ bạn là kẻ nói xấu công ty cũ. Thế nên tôi chỉ có thể nói rất ngắn gọn là tôi “đang đi tìm một cái gì đó”. Đương nhiên buổi phỏng vấn kéo dài hơn một câu hỏi.
Sau gần 6 năm gắn bó với First News, tôi chính thức đến với TGM chỉ sau 2 tháng nghỉ việc. Và nếu bạn đã từng làm việc ở một nơi quá lâu, khi chuyển sang một công ty mới, bạn sẽ hiểu được cảm giác của tôi lúc đó. Đó là cả một biến cố trong cuộc đời. Một cột mốc. Một bước ngoặt. Và bạn biết bạn sẽ phải chịu trách nhiệm cho lựa chọn và quyết định của mình.
Người thân, bạn bè lo lắng cho tôi. Và cho đến giờ vẫn còn nhiều người chưa hết lo lắng vì quyết định đó của tôi. Ngay cả ba mẹ tôi – người luôn ủng hộ mọi quyết định của tôi – thì sau lưng tôi vẫn không thể nén được những tiếng thở dài. Có người cho rằng tôi “lên voi xuống chó”. Có người nói tôi vẫn còn cái tính ngông cuồng của tuổi trẻ. Có người nói tôi đã đánh mất tất cả những gì một người đi làm bình thường luôn mơ ước. Có người nói tại sao tôi từ bỏ một công ty xuất bản tiếng tăm hàng đầu để đến với một công ty thích nhồi sọ người khác bằng những khóa học nhảm nhí (TGM là công ty chuyên đào tạo và huấn luyện kỹ năng sống, và tôi làm việc ở phòng xuất bản). Bạn nghĩ tôi có lung lay không? Có. Tôi đã dằn vặt rất nhiều. Tôi tự hỏi mình là ai mà lại khiến cho người thân và những người quan tâm mình trở nên lo lắng như vậy. Mình là ai mà đến từng tuổi này lại để cho ba mẹ phải lo lắng như những ngày đầu mình mới bước chân vào môi trường làm việc. Tôi thực sự hoang mang và nghi ngờ chính bản thân mình.
Nhưng, trong thời gian này, tôi may mắn có được chuyến đi xa ở tận đầu kia của trái đất. Và nơi đó, tôi có cơ hội nhìn lại toàn bộ bức tranh cuộc sống đang diễn ra, tách mình khỏi những tác động, áp lực, lời nói của người và vật xung quanh. Rồi mọi thứ trở nên rõ ràng hơn, dễ hiểu hơn, đương nhiên hơn, và dĩ nhiên là tốt đẹp hơn. Tôi hiểu tại sao mình làm thế này mà không phải thế kia. Tôi hiểu rõ đến tận cùng quyết định của mình. Thật sáng sủa.
Tôi trở về với tâm trạng của một con người mới. Nó giống như tôi vừa kết thúc hành trình tự vấn để bước vào hành trình khám phá bản thân mình. Tôi luôn cho rằng con người ta vẫn luôn có những điều bí ẩn sâu thẳm bên trong, và chỉ khi chạm được những bí ẩn đó, người ta mới thực sự biết mình là ai. Tôi cũng cho rằng không nhiều người thực sự trải nghiệm được điều này. Vì có thể nó không phải tự nhiên diễn ra, mà nó cần một “biến cố” hay “đột biến” trong tư tưởng. Phải đúng thời điểm, tự nhiên bạn mới có nhu cầu đi tìm “một cái gì đó” mà không biết chính xác là cái gì đó. Và đến khi tìm ra, bạn mới thực sự biết bạn là ai. Đó là một cảm giác mà dù tôi có cố gắng vận dụng tất cả những cách diễn đạt mà tôi tâm đắc nhất thì cũng không thể diễn tả được, bạn phải cảm nhận nó.
Ở TGM, tôi vẫn làm công việc của một người dịch, một người biên tập, không có gì khác. Vậy thì tại sao tôi lại chọn đây là nơi mà tôi sẽ tìm được “cái gì đó”?
Để tôi kể thêm cho bạn nghe về những gì đã làm thay đổi suy nghĩ của tôi. (tất nhiên là bên cạnh nhiều yếu tố khác, chẳng hạn như văn hóa công ty, con người, cách quản lý…)
Trước khi bước vào TGM, và ngay cả vào cái ngày sếp tôi phỏng vấn tôi, điều khiến tôi không hài lòng nhất ở TGM chính là những khóa học. Tôi không thích một chút nào. Tôi ước gì TGM chỉ đơn thuần là làm sách. Tôi ước gì TGM không có những khóa học để bạn bè tôi đừng nghĩ tôi đang làm việc cho một công ty “nói láo ăn tiền”. Điều đó từng ảnh hưởng rất nhiều đến lòng tự trọng của tôi. Lúc đó tôi vẫn có cùng suy nghĩ với đại đa số người, đó chỉ là những khóa học bình thường mà người ta có thể phóng đại để kinh doanh. Tôi hạn chế không nói nhiều với ba mẹ tôi về “các khóa học”, tôi chỉ đơn giản nói rằng “công ty con cũng làm sách”. Nhưng chính vì tôi được làm việc ở phòng xuất bản, không liên quan gì đến các khóa học, nên điều đó cũng khiến tôi thấy an ủi phần nào. Thôi kệ, coi như là một mảng khác. Cho đến khi tôi được sếp cho đi học Những Mô Thức Thành Công.
Phải nói rằng tôi là một người rất khó làm cho thay đổi suy nghĩ. Chưa từng có bất kỳ một người bán bảo hiểm, hàng đa cấp, tư vấn đầu tư hay gì gì đó có thể thuyết phục được tôi. Vì đơn giản việc thuyết phục tôi tin những gì họ nói không phải là cách để tôi tin vào giá trị sản phẩm mà họ mang lại cho tôi. Có thể một lúc nào đó tôi sẽ tự đi mua bảo hiểm, một lúc nào đó thích thì tôi vẫn sẽ mua hàng đa cấp; nhưng nếu muốn nhồi niềm tin vô đầu tôi để tôi mua thì không bao giờ. Thế nên tôi cũng đến với khóa học Những Mô Thức Thành Công trong tâm thế như vậy. Đó là một cảm xúc rất khó tả. Tôi vừa có cảm giác nghi ngờ, nhưng đồng thời tôi cũng mở lòng, mong sao mình có thể cảm nhận được khóa học một cách sâu sắc nhất để tôi có thể chấm dứt những hồ nghi chưa có cơ hội kiểm chứng.
Tôi từng xem các clip về khóa học, tôi thấy người ta khóc, tôi thấy thật là buồn cười và không thể hiểu nổi. Có cái gì mà phải khóc. Và sao mà yếu mềm đến dễ khóc như thế. Nhưng rồi tôi cũng tìm được câu trả lời.
Sau 3 ngày trải nghiệm, tôi chỉ có thể nói như thế này. Những Mô Thức Thành Công không phải là một khóa học thần kỳ có thể thay đổi cuộc đời của một con người. Nó không phải là một khóa học mà sau khi bước ra, bạn là người hoàn toàn khác. Nó cũng không phải là khóa học với những phương pháp kỳ lạ như liều thần dược có thể trị bá bệnh. Nó chỉ đơn giản là một cơ hội, một khoảng thời gian đủ để bạn vứt bỏ những vỏ bọc bên ngoài để trải nghiệm và chạm đến những tầng cảm xúc thật và sâu thẳm nhất của chính bạn. Nó giúp bạn đối diện với con người thật của mình. Nó khiến bạn đau đớn khi đối diện với những điều mà bạn đã cố thủ không cho bất kỳ ai chạm vào. Nó giúp bạn bộc lộ được những điều mà bạn không bao giờ muốn nói với bất kỳ ai, vì khi nói ra bạn cảm thấy mình thật yếu đuối. Nó cho phép bạn có không gian và thời gian để sống đúng với con người thật của mình. Chỉ cần bấy nhiêu đó, bạn biết bạn sẽ chọn lựa điều gì tiếp theo.
Nó giống như một người chỉ đường cần mẫn, giúp bạn đi sâu vào những ngóc ngách trong tâm hồn mình. Vai trò của nó chỉ có thế. Nó không “mị dân”, không nói với bạn điều này đúng, điều kia sai. Không nói bạn là người tốt hay xấu. Nó chỉ đơn giản giúp bạn khám phá những gì tốt đẹp của mình.
Một điều tôi rút ra được sau khóa học chính là không phải ai cũng cảm nhận được trọn vẹn những giá trị mà khóa học mang lại. Và giờ thì tôi đã hiểu tại sao trước giờ vẫn có một số người bước ra khỏi khóa học và sau đó chửi khóa học là “lừa đảo”. Đơn giản vì tôi cho rằng không phải ai cũng có đủ sự cởi mở đón nhận những điều mới cùng sự quyết tâm, thành thật, dũng cảm để đối diện với chính mình.
Tôi sẽ không kể bạn nghe tôi đã trải qua những gì tại khóa học. Và những cảm xúc tôi nhắc đến ở đây cũng chỉ là một phần rất nhỏ so với những gì bạn có thể thực sự cảm nhận nếu bạn trải nghiệm. Tôi chỉ biết rằng tôi đã ôm thật chặt một anh cùng nhóm – người mà tôi chỉ biết cách đó 2 ngày – rồi bật khóc và cảm ơn anh vì anh đã khản cả tiếng chỉ để giúp tôi hiểu được tại sao tôi nên và phải tiếp tục những việc tôi đang làm, bất chấp những đau đớn và bất công mà tôi có thể sẽ gặp phải. Tôi chỉ biết rằng ngay trong những giây phút trải nghiệm tại khóa học, tôi đã liên tục nhớ đến những người thân yêu, và tôi muốn họ cũng được trải nghiệm những điều quý giá như tôi.
Đây không phải một bài review để khen khóa học hay để tâng bốc công ty tôi. Vì tôi không được trả lương để làm chuyện đó. Tôi chỉ muốn chia sẻ cảm xúc của mình, và như một thói quen, tôi muốn được chia sẻ những điều tốt đẹp đến với những người tôi quan tâm và quan tâm tôi. Tôi muốn những người đã và đang lo lắng cho tôi hãy biết rằng tôi thực sự hạnh phúc và tự hào về nơi mình đang làm việc, được góp một phần rất nhỏ vào “Hành trình vì 1 triệu người Việt Nam hạnh phúc và thành công hơn” của chúng tôi.
Sau khóa học, tôi quyết định mình sẽ thi tuyển để trở thành Coach (người đồng hành và hỗ trợ với các học viên trong khóa học) cho dù có rớt bịch bịch như thế nào đi nữa, vì tôi cảm thấy mình có nhu cầu giúp đỡ những người khác tìm thấy và cảm nhận được những điều quý giá trong cuộc sống, ẩn sâu trong chính con người họ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét