Lửa trong lòng
Chào các bạn,
Bạn biết bí quyết gì mà mọi người thành công đều có không? Nếu nhìn một vòng chung quanh, ta thấy tất cả những người thành công–ca sĩ, họa sĩ, bác sĩ, luật sư, doanh nhân, chính trị gia, quan chức nhà nước, tu sĩ, hay bất kỳ cái-gì-sĩ–đều có một điểm chung là họ rất đam mê việc họ đang làm. Họ vui với nó, ăn ngủ với nó, hít thở nó, sống với nó, sống vì nó, bất chấp mệt nhọc, khó khăn, thử thách, cô đơn. Cho đến một lúc họ thành công lớn trong công việc đó. Bí quyết thành công của họ rất rõ ràng—đó là say mê công việc.
Vậy thì, muốn thành công, ta phải say mê công việc.
Nhưng, làm sao để say mê công việc?
Đây là mấu chốt của vấn đề, và đây cũng là điểm có nhiều ngộ nhận nhất. Rất nhiều chuyên gia về phát triển cá nhân (personal development), cố vấn một số phương pháp như là đặt mục tiêu, viết rõ mục tiêu, đặt kế hoạch hành động, đọc lại mục tiêu hằng ngày, tưởng tượng hình ảnh (visualizing) mục tiêu đã đạt được, thực hiện kế hoạch theo đúng chương trình đã vạch ra, v.v… Họ cho rằng khi chúng ta làm những điều này, chúng ta sẽ có đam mê trong công việc. Nhưng có thật vậy không? Thực ra, các điều này có thể giúp được một tí. Nhưng nếu nhìn kỹ lại, thì chúng không phải là câu trả lời cho sự tìm kiếm đam mê.
Giả sử là bạn không thích mắm bồ hốc, cứ ngửi thấy mùi bồ hốc là muốn nôn ngay. Bây giờ có một chuyên gia đề nghị bạn đặt mục tiêu, “Trong vòng 2 năm nữa tôi sẽ ăn mắm bồ hốc trong mỗi bữa ăn.” Rồi lên kế hoạch hành động hai năm, như đã nói trên. Câu hỏi là, liệu bạn có thành công được không? Trong thực tế, có lẽ chúng ta có thể khẳng định là đại đa số người sẽ không thành công trong kế hoạch đó, bởi vì nó nhắm vào một việc mà nhân vật chính không thích, không chịu được, và rất ghét. Đại đa số người sẽ gạt phăng kế hoạch ngay từ đầu: “Thôi đi. Thiếu gì thứ trên đời để ăn. Tại sao tôi phải hành thân tôi ăn mắm bồ hốc?”
Bạn đã thấy được gốc rễ của vấn đề chưa? Nếu cái gì mình không thích, không hạp, thì mình không thể nào làm tốt được, không thể nào say mê được. Cái mình làm tốt, thích làm, là cái mình say mê. Say mê chính là nguyên nhân, là động lực thúc đẩy mình làm, thúc đẩy mình đặt mục tiêu, thúc đẩy mình lên kế hoạch hành động. Nếu đảo ngược nguyên nhân và hậu quả thì hỏng rồi–không phải là mục tiêu và kế hoạch tạo ra say mê. Vì có say mê và yêu, nên mới lên kế hoạch làm đám cưới, chứ không lên kế hoạch làm đám cưới để tạo ra tình yêu và say mê. Cái cày không thể đi trước con trâu.
Vậy là ta phải trở lại câu hỏi ban đầu: Làm thế nào để mình có say mê trong công việc? Câu trả lời là: Muốn say mê trong công việc thì mình phải làm công việc mà mình say mê.
Nhưng làm sao biết việc nào là việc mình say mê?
Đôi khi câu trả lời đến rất rõ ràng. Nếu tối ngày ta cứ bỏ ăn bỏ ngủ, loay hoay viết chương trình vi tính, thì có lẽ đó là việc ta say mê. Hay ca nhạc, hay thể thao, hay ý muốn làm chủ một doanh nghiệp. Nếu các bạn trẻ tạm gác qua một bên các yếu tố bên ngoài như nghề này nhiều tiền, nghề này có danh tiếng, nghề này người ta nể nang, v.v… và chỉ tự hỏi việc gì mình rất thích thú để làm, thì chính việc đó là việc mình say mê.
Đôi khi cái ta say mê không nhất thiết là một công việc, nhưng là một nơi. Ví dụ, nhiều người muốn quay về quê cha, quê mẹ, để sinh sống; việc gì không cần biết, nhưng họ cần được sống nơi chốn ấy.
Đôi khi cái ta say mê là người làm chung chứ không phải công việc. Ví dụ, có nhiều người nói: “Em rất thích làm việc chung với anh. Làm gì anh cứ gọi em. Việc gì cũng được.” Rất nhiều partners thương mãi nằm trong dạng này. Việc quan trọng nhất của họ là làm ăn chung với bạn thân. Làm ăn việc gì thì sẽ bàn sau.
Đôi khi cái ta say mê là một vật gì đó, một điều gì đó cụ thể. Ví dụ: Người rất mê tiền thì say mê làm bất cứ việc gì mang đến nhiều tiền. Người mê nổi tiếng thì say mê làm bất cứ việc gì để được nổi tiếng. Đây loại say mê dễ làm cho người ta vào đường lầm lạc nhất, dù rằng bản chất say mê tự nó không xấu—mê tiền hay mê nổi tiếng tự nó không xấu (dù là rất hời hợt).
Đôi khi cái ta say mê là một mục đích chung chứ không phải công việc. Ví dụ: Các nhà truyền giáo rất vui vẻ đi khắp nơi, làm bất kỳ việc gì để sinh sống, chỉ để đem “Tin Mừng” đến mọi người chung quanh.
Đôi khi ta cũng không biết là việc gì ta thật say mê (mê ăn và mê ngủ thì không tính
). Trong trường hợp đó ta phải suy nghĩ ngược lại—làm việc gì ta ít ghét nhất, trong khi chờ đợi khám phá ra việc gì ta say mê nhất.
Đối với các bạn đang làm một công việc mà mình rất chán nản, thì nên tìm việc khác, đổi chỗ làm. Nếu đổi chỗ làm khó khăn, thì tìm công việc gì đó, nhất là các việc giải trí hay từ thiện mà mình ưa thích để làm ngoài giờ làm việc.
Nói tóm lại là ta phảỉ tìm cho được ngọn lửa trong lòng mình, và đi theo nó. Ai cũng có lửa trong lòng, kể cả người nghĩ rằng lòng mình đã nguội lạnh. Thực ra vẫn luôn luôn còn một viên than hồng đâu đó. Tìm ra nó và cho nó cơ hội trở thành một ngọn lửa. Mà ta càng hiểu chính mình thì càng dễ thấy ngọn lửa đó, hay viên than hồng đó. “Biết mình” là nguồn gốc đầu tiên của mọi kế hoạch tốt trong đời. (Mình đã viết bài “Biết Mình” trước đây rồi. Bạn có thể tìm thấy nó trong category Trà Đàm).
Và khi nhìn thấy lửa rồi thì hãy có cam đảm đi theo nó. Điều này nói thì dễ, nhưng thật ra rất khó đối với những bạn đã có gia đình và công việc lâu năm. Không đổi việc được, thì thêm việc ngoài giờ. Vấn đề rất rõ ràng và đơn giản. Nếu bạn thực sự muốn say mê với công việc và đời sống của mình, thì phải đi theo ngọn lửa trong lòng mình. Mỗi người có một ngọn lửa cho một con đường, không thể lấy lửa của người khác làm lửa của mình, cũng không thể đổi lửa cho nhau. Từ cổ chí kim, người ta có đủ mọi tên để gọi ngọn lửa này—sự thôi thúc của con tim, tiếng gọi của định mệnh, tiếng gọi của Chúa. Dù là tên gọi nào đi nữa, thì bản chất của vấn đề vẫn rất rõ ràng—sức mạnh thôi thúc ta đi nhanh, đi mạnh, xông pha sương gió, đạp lên gai góc, trèo đèo vượt suối, gian nguy không sờn, luôn luôn tiến về phía trước, chính là ngọn lửa trong lòng.
Rồi ngọn lửa đó sẽ cho mình đam mê để đặt mục đích, đặt kế hoạch. Mục đích và kế hoạch là phương thức giúp mình làm việc có hiệu quả. Chúng không phải là ngọn lửa.
Thế nhưng, tại sao ở đầu bài ta nói một số chuyên gia cố vấn phương thức “mục đích và kế hoạch” để tạo đam mê? Thưa, bởi vì các lời tư vấn này đến từ các chuyên gia của các giám đốc công ty, giúp các công ty làm thế nào để nhân viên trong hãng hăng hái với công việc hơn. Các chuyên gia này không bao giờ có thể tư vấn, “Nếu bạn không vui với công việc ở đây, thì cứ nghe theo tiếng gọi trong lòng, đi tìm việc khác hợp với con tim của bạn hơn.” Họ bắt buộc phải “tư vấn” các việc có tính cách quản lí hành chánh, như là đặt mục tiêu và kế hoạch. Tốt cho công ty. Nhưng, nếu bạn là nhân viên, thì đó không phải là lời tư vấn thật sự cho bạn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét