Trong cuộc sống, người “cho” chúng ta nhiều nhất chính là ba mẹ và những người thân yêu nhưng đáng buồn thay, chúng ta ít “đáp lại” họ. Vì sao có sự mâu thuẫn này? Tại sao chúng ta ngại bày tỏ tình cảm với người ta thương yêu? Nếu việc “cho” và “nhận” là một qui luật thì trong tình cảm, việc “cho” và “nhận” lại là... “bất qui luật” nhất, quá trình này không phải lúc nào cũng hai chiều và tác động qua lại. Có người suốt cuộc đời chỉ chuyên “cho” đi, lo lắng, quan tâm, chăm sóc, hi sinh cho người khác nhưng cũng có nhiều bộ phận trong giới trẻ quen thói thụ hưởng, chuyên “nhận” mà không cần quan tâm, đoái hoài đến người khác, rất vô tâm “nhận” một cách rất vô tư, coi việc ấy là đương nhiên phải thế.
Nói như thế không phải vơ đũa cả nắm, nhưng có rất nhiều người hạnh phúc khi được “cho” đi nhưng cũng có nhiều người được “nhận” mà không cảm thấy sung sướng. Nhiều người không có thói quen bày tỏ cảm xúc, họ nghĩ rằng làm như thế là “sến”, là “bi lụy”, nên ngại bày tỏ tình cảm với những người thân yêu. Nhiều bạn trẻ ngày nay rất ít bộc lộ những cảm xúc yêu thương với ba mẹ mình. Họ cho rằng điều đó là không cần thiết, là “quê”. Họ có thể nói hàng ngàn lời có cánh, hàng trăm lời yêu thương, làm hàng vạn lần những hành động tuyệt vời để lấy lòng người yêu, chỉ mong được thấy nụ cười, niềm vui của người yêu còn với mẹ cha mình thì họ kiệm lời đến đáng sợ.
Mẹ đã mất bao nhiêu năm trời để nuôi bạn khôn lớn, hi sinh cả cuộc đời cho bạn, thế mà đã khi nào bạn khen mẹ: “Mẹ khéo quá, mẹ thật tuyệt, hôm nay mẹ mặc đồ rất đẹp” hay không? Thậm chí, bạn dễ cáu gắt, cau có với những người thân yêu của mình khi họ vô tình làm cho bạn không hài lòng hoặc làm cho bạn “mất mặt” trước bạn bè. Trong mắt bạn bè, Kim Lan là một cô gái thông minh, xinh đẹp, duyên dáng và sành điệu. Một lần, bạn bè đến nhà Kim Lan chơi thì thấy một bác lớn tuổi, ăn mặc giản dị lấy mấy nải chuối và bánh mè quê ra đưa cho Kim Lan mời bạn bè dùng. Khác với vẻ mặt hân hoan của mẹ, cô tỏ thái độ bực dọc ra mặt. Sau khi bạn bè về, Kim Lan trách móc mẹ đã không giữ thể diện cho cô, thấy có bạn bè cô đến phải biết ý mà đi nơi khác cũng như sao lại mang chuối và bánh mè quê mùa ra trước mặt bạn bè sành điệu của cô? Và tất nhiên, một cô gái “tuyệt vời” như cô không thể nào cần sự “yêu chiều” và “ngã vào lòng mẹ” được.
Thay đổi cho bớt “cùn” cảm xúc, tại sao không?
Khi quan sát cách sống của nhiều bạn trẻ bây giờ, trường hợp giống như Kim Lan không phải là hiếm. Các bạn sẵn sàng bảo vệ bản thân, bảo vệ bạn bè; các bạn muốn nâng tầm vị thế của mình, sự tự tôn, tự trọng của mình trước những người xa lạ nên dễ dàng bỏ qua cảm xúc, cảm nhận của người thân. Nhưng các bạn thường không biết rằng, những người thân yêu nhất của ta không ai có thể thay thế được. Tại sao bạn lại phải kiệm lời, tại sao bạn ngại bày tỏ?
Cuộc sống vô cùng ngắn ngủi, mạng sống cũng vô cùng mỏng manh, thế nhưng tại sao bạn không bày tỏ khi mình có thể làm được điều ấy, để khi bạn mất đi hay không còn tồn tại trên cuộc đời này nữa, bạn muốn “cho”, muốn “nhận” cũng có thực hiện được không!? Tại sao không nói ngay từ bây giờ, có khó gì đâu lời bày tỏ yêu thương với những người thân yêu nhất.
Ngẫm việc “cho” và “nhận” trong tình cảm cũng ý nghĩa lắm phải không bạn. Cha mẹ đã cho ta quá nhiều, cái sự “cho” ấy cao hơn trời biển, “cho” mà không đòi hỏi, không nghĩ mình sẽ “nhận” lại. Bởi thế nên ông bà ta thường nói: “Nước mắt có chảy ngược bao giờ”, cha mẹ như những con tằm rút ruột nhả tơ, đem hết cái tinh túy, cái tốt nhất của cuộc đời mình để chăm lo, nuôi dạy, để “cho” hết con cái. Tình yêu của cha mẹ thật vĩ đại, nhưng tại sao các bạn trẻ chúng ta không một lần nghĩ về việc “cho lại” cha mẹ. Sự “cho” này không chỉ trông chờ vào những ngày lễ tết, mà phải được thực thi từ khi bạn cất tiếng khóc chào đời. Khó gì lời bày tỏ, khó gì tiếng nói “yêu mẹ” phải không bạn!? Hãy hành động đi, vì mỗi người chỉ có một cuộc đời mà thôi!
Nếu thấy rằng, việc “cho đi” là hạnh phúc, bạn sẽ “nhận lại” hàng ngàn điều hạnh phúc, và hàng ngàn những người khác sẽ “cho” bạn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét