Thứ Hai, 10 tháng 12, 2012

Sống một đời an vui giữa thế giới bận rộn

Sống một đời an vui giữa thế giới bận rộn

“Mọi người sẽ cho bạn nhìn thấy mặt tích cực của họ. Hầu hết tất cả mọi người đều có mặt tích cực. Hãy đợi đi. Mặt tích cực sẽ hiển lộ.”
 R. Pausch
Có phải một ngày bình thường của bạn như thế này không?
Vừa mới thức dậy vào buổi sáng, bạn đã nổi cáu lên rồi, thế là bạn đã quyết định, hôm nay, một ngày ‘tồi tệ’ rồi đây. Bạn bắt đầu phàn nàn vì không hoàn thành hết những công việc đã dự định trong bảng liệt kê ‘những điều cần làm’ và không hài lòng vì không nhận được sự giúp đỡ của đồng nghiệp như bạn mong đợi. Thôi thì, đằng nào bạn cũng có thể làm tốt hơn họ nhiều. Rồi bạn nghĩ đến chuỗi công việc con bạn sẽ làm trong ngày, rồi bạn suy tính, liệu chúng nó có hoàn thành hết ngần ấy công việc không và kết quả có như mình mong đợi không. Tất nhiên là bạn sẽ không có đủ thời gian để có một bữa điểm tâm ‘đầy đủ dinh dưỡng’, chỉ có bánh rán và cà phê rồi vội vã lao vào công việc. Nếu may mắn, bạn ăn trưa ngay bàn làm việc; không thể chuyển môi trường ấy sang môi trường ăn trưa thoải mái được trong khi bạn có cả núi việc cần làm. Thế là lòng bạn lại đầy bực bội và sân giận. Ngồi nhiều lại đau lưng nữa chứ.Với bất kỳ lý do gì, lúc nào bạn cũng có thể trở nên cáu gắt được cả. Thế rồi, khi trở về nhà, uống một, hai ly bia hay rượu, rồi đi đón con từ bãi tập thể thao, hoặc bạn có thể bạn đón con trên đường đi làm về. Sau đó bạn ăn vội vàng ba miếng hay kêu cơm phần, lại trở về văn phòng hay về nhà làm việc tiếp!
Động cơ nào làm cho bạn thay đổi?
Các nghiên cứu cho thấy rằng những tiêu cực trong bản thân mình thường diễn ra trong cuộc sống là động cơ thúc đẩy bạn thay đổi thái độ và hành vi. Có khi nào sau khi gặp một biến cố dễ sợ trong cuộc sống, bạn hiểu ra được điều gì thật sự quan trọng trong đời và làm thế nào để có cuộc sống cân bằng trong thế giới ‘bận rộn’ này với niềm an ổn, thỏa mãn, bình lặng và vui vẻ không? Sao ta lại không để cho những căng thẳng lên đến mức đỉnh điểm để rồi chính nó là động cơ thúc đẩy cho mình thích nghi cuộc sống bằng cách thay đổi những thói quen của mình?
Thay đổi những thói quen trong cuộc sống
Nhìn kỹ thói quen với tâm chánh niệm: chánh niệm là một trạng thái con người “chú tâm và ý thức điều gì đang diễn ra trong giây phút hiện tại.” Bạn luôn có những lời thì thầm trong đầu về những gì bạn đã làm và chưa làm được hay những việc hoạch định cần phải làm mà không có thời gian để chú tâm vào BÂY GIỜ hay hiện tại. “Khi bạn chỉ tập trung vào ngay giây phút hiện tại hay chú tâm vào môi trường hiện tại, bạn có thể đạt được trạng thái an tịnh, tinh thần sảng khoái, và cảm giác toại nguyện.” (Kabat-Zinn, 2007).
No where -- Now here
No where -- Now here

Những giây phút thế này chưa từng xảy ra trước đó. Chúng ta có mối liên hệ gì với những giây phút này?
Về tư tưởng của bạn; hãy để tư tưởng trôi đi như chiếc lá vờn bay trong gió. Bạn chỉ có những giây phút này để chọn lựa mình nên chú tâm vào điều gì. Những gì xảy ra trước đây 10 phút, thì cũng đã xảy ra rồi. Bạn có thể chọn lựa tập trung tâm ý vào những gì đang diễn ra mà không phải những gì đã xảy ra rồi hay suy nghĩ những gì sẽ đến trong tương lai. Đừng bỏ lỡ những giây phút quý giá này, tất cả trong tầm tay của bạn. “Hãy đến với sự an tịnh và sử dụng phương pháp ‘tập trung vào vấn đề’ để xử lý tình huống” (Kabat-Zinn, 2008).
Hãy làm điều tốt nhất với những gì bạn đang làm ngay bây giờ. Hãy tập chấp nhận lòng tự ái, sống cởi mở, bao dung và tha thứ.
Hãy buông xả những phán xét về các việc bạn và người khác làm vì như thế,b ạn buông xả đi rất nhiều về tâm chấp mắc vào kết quả mình mong cầu.
Một nền tảng để quản lý và giảm trạng thái căng thẳng là CHẤP NHẬN cuộc sống như nó diễn ra mà không phán xét và ý thức đầy đủ về giây phút hiện tại (Kabat-Zinn, 1990). Hãy nhận thức rõ về luật vô thường rằng không có gì trên cuộc đời này là ổn định cả; cuộc sống là không chắc chắn. Bất cứ bạn đang ở nơi nào, giây phút hiện tại đang hàm chứa cả nhân lẫn quả. Chah (2005) gọi khái niệm này là “hiện tại là quả của quá khứ và là nhân của tương lai.” Bất cứ ở nơi đâu, mọi thứ đều có mặt đồng thời. Điều này không có nghĩa là chúng ta không hoạch định gì cho tương lai. “Chúng ta có thể để tâm đến tương lai bằng cách để tâm đến ngay trong giây phút hiện tại” (Kabat-Zinn, 2007). Một khi chúng ta có trách nhiệm về những hành động mình làm, chấp nhận hiện tại, buông xả không phán xét, và tin tưởng vào bản thân mình, bạn sẽ khám phá ra nhiều cơ hội mới để thành tựu những mục đích mới mà mình mong muốn để những gì mình làm đem lại kết quả tốt đẹp nhất.
Sau đây là những thói quen tôi thực hành để cuộc sống tốt hơn sau khi trải qua chuỗi ngày sống với bệnh ung thư tuyến tụy, giải phẫu túi tụy và tôi học được cách sống với bệnh tiểu đường loại I mà không buồn bực, sân hận hay sợ hãi:
– Tôi chú tâm để nhìn thấy cái đẹp, cái tốt của thế giới quanh mình một cách có chủ ý.
– Tôi nhìn và giải thích nhiều vấn đề theo hướng tích cực một cách có chủ ý.
– Tôi thực tập thiền chánh niệm mỗi ngày.
– Tôi đọc sách về tâm linh của các tác giả có khả năng truyền cảm hứng cho người đọc.
– Tôi hạ chỉ số phán xét của tôi đến 75%.
– Tôi thật sự buông xả nhiều về sự để tâm vào những kết quả tôi mong đợi.
– Tôi sống với tâm cởi mở, nuôi dưỡng các tình cảm tâm linh như yêu thương, biết ơn, kính sợ và tinh thần vươn lên.
Tôi có cuộc sống an lạc, tràn ngập niềm vui, đầy ắp hân hoan, toại nguyện, yêu thương, làm việc mỗi ngày cũng như viết các bài đăng báo và nhiều cuốn sách về hạnh phúc dạng điện tử, vui chơi và sống trọn vẹn với giây phút hiện tại hoặc tham gia các buổi thuyết trình về đề tài làm thế nào để “Cuộc sống đầy ắp tiếng cười.”
nowandhere
À có một điều tôi quên đề cập đến, tôi không còn sợ chết vì căn bệnh ung thư nữa. Tôi chọn cách tôi sống khi còn đang được sống. Bạn cũng có thể làm như vậy. Bạn không cần tạo thêm một căng thẳng nào khác ngoài những căng thẳng bạn đã tạo ra cho bản thân mình. Các thói quen này chỉ có hiệu quả chỉ khi nào bạn hành động và duy trì thực hành.
Không có thần dược nào cả; chỉ có sự chấp nhận cuộc sống với tất cả những gì chúng ta đang đón nhận, hãy có tâm thế sẵn sàng để chú tâm và ý thức trong giây phút hiện tại. Hãy tập buông xả tâm gắn kết vào những ước mong kỳ vọng kết quả nào đó trong tương lai.
Nếu bạn cho phép mình biểu hiện tâm thiện lành thường xuyên hơn và buông xả những ý niệm bạn cho là đúng, đừng nghĩ đến việc cần một di chúc, không phàn nàn gì cả, thoải mái vui cười mà không cần e dè, bạn có thể sống một đời an lạc và chính đời sống như thế sẽ nuôi dưỡng những gì tinh túy và thâm thúy nhất trong con người bạn. Khi ấy, sẽ không đủ chỗ trên diễn đàn vòng tay bè bạn ở Facebook® để lưu vào đó những người muốn kết bạn với bạn đó thôi!
Một ngày của bạn có đầy ắp những điều làm cho bạn cảm thấy vui, hài lòng và bình an trong một thế giới cho là ‘bận rộn’ này không? Nếu không, những gì bạn cần làm để có được cảm giác hài lòng nhỉ? Tôi mời bạn ghé thăm trang www.cancerrocks.com để hiểu thêm mối liên hệ giữa thân thể, tinh thần và tâm linh để rồi thay đổi những thói quen nhằm có được cuộc sống vui vẻ, hân hoan và bình an và nếu bạn muốn, hãy chọn mục nhận thư chia sẻ về ‘những ý tưởng lành mạnh’ của tôi trên trang nhà.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét