Thứ Hai, 10 tháng 12, 2012

Khó Khăn


Đã là con người thì ai cũng thích mọi sự dễ dàng—không làm mà tiền vẫn tới, không cày mà ruộng vẫn tươi, không phân bón mà cây vẫn tốt. Người nào nói mình không thích sung sướng thoải mái như vậy, chắc là hơi bệnh trong đầu rồi. Khổ nỗi cuộc đời không thiên đường như thế (kể từ khi Eve khuyến dụ Adam ăn trái cấm và cả hai bị đuổi khỏi vườn địa đàng 
:-)
 Hmm… đàn bà… Không biết Thánh Kinh bôi bác đàn bà hay là nói lên một sự thật căn bản của con người—từ khai thiên lập địa, đàn ông đã bị phụ nữ xỏ mũi kéo đi? 
:-(
 ).
Đằng nào đi nữa thì ngày nay ta cũng phải đối diện với một cuộc đời đầy khó khăn và thử thách, đòi hỏi mồ hôi, nghị lực, và chiến đấu. Nhưng không sao, mình có tin vui cho các bạn, kể cả các bạn không thích đổ mồ hôi, hao nghi lực, hay phải chiến đấu: Bản chất kinh tế của đời sống tạo ra qui luật căn bản là những việc càng khó khăn thì càng mang lại nhiều phần thưởng. Việc càng dễ dàng thì càng nhiều người vào làm, mà càng nhiều người cạnh tranh lao động, thì giá lao động, hay phần thưởng lao động, càng thấp. Ví dụ: Làm nhân công may trên dây chuyền của hãng may thì dễ hơn làm bác sĩ—ít tốn thời giờ học ở trường, và không phải học các môn khó khăn như bác sĩ. Vì vậy, nhiều người có thể làm hãng may hơn làm bác sĩ. Giá lao động may, do đó, thấp hơn giá lao động bác sĩ. Tương tự như vậy, bán hàng rong cũng ít lời hơn là mở tiệm phở, vì hàng rong đòi hỏi ít kiến thức và vốn liếng hơn.
Như vậy, dĩ nhiên là công việc càng khó khăn thử thách, thì càng ít người muốn làm, càng ít người đủ khả năng làm, và người nào vào làm thì đương nhiên là sẽ có những phần thưởng lớn. Vì vậy, sinh viên thường thích vào những đại học khó vào, chuyên gia thường thích vào những công ty khó vào, doanh nhân thường thích vào những kỹ nghệ khó vào. Điều này lại càng đúng hơn với những người tiên phong—khai phá một khu đồi hoang, khai phá một kỹ nghệ mới, nghiên cứu một khí cụ mới. Những lãnh vực chưa ai khai phá, hoang vu, thì luôn luôn chứa nhiều khó khăn, khó khăn đến nỗi chưa ai muốn làm, chưa ai dám làm. Vậy thì đó chính là chỗ ta muốn vào, một mình một rừng, chiến đấu với muôn mãnh thú, cho đến khi ta làm chủ mảnh rừng.
Hơi khó, nhưng tha hồ ăn!
Hơi khó, nhưng tha hồ ăn!
Một đặc điểm của khó khăn là: Khó khăn cũng không khó lắm khi ta tự đâm đầu vào, nhưng sẽ trở thành rất khó khi ta bị ép vào. Và qui luật này chính là cái làm khó khăn thực sự trở thành khó khăn. Ví dụ: Một chuyên gia đã 10 năm trong nghề, bây giờ mất việc vì khủng hoảng kinh tế. Một người vợ đã 10 năm làm nội trợ nuôi con, bây giờ ly dị phải lao vào thị trường lao động. Đây thực sự là những khó khăn người ta chỉ gặp một hay hai lần trong đời, và mỗi lần phải đối diện nó mà một khủng hoảng lớn . Và sức ép của nó, cũng như mức độ stress nó tạo ra, cũng thực là kinh khủng. Người ở ngoài cố vấn thì dễ, nhưng đối với người trong cuộc, đó thực sự là một mình đối diện với một núi đá chắn đường, sau lưng là biển cả.
Làm sao để ta đối diện với những khó khăn khủng khiếp như vậy?
Trước hết, làm một ly ca phê (hay một ly bia), ngồi nhâm nhi, suy gẫm truyện “Tái ông thất mã” (Ông già mất ngựa). Trong cái xui nhất định phải có cái hên. Cái mà mình cho là xấu bây giờ, mất việc hay ly dị, nhất định đã có mầm của cái tốt trong đó. Chỉ cần một thời gian là ta sẽ thấy mầm ló dạng thành cây con. Nhưng mầm nào cũng cần thời gian để phát triển. Hãy cho “Nàng Tiên Thời Gian” một tí cơ hội để làm việc của nàng. Đừng quá bồn chồn lo lắng.
Hơn nữa, tính về lý luận xác suất, thì đúng là mỗi lần gặp khó khăn như thế, cơ hội khá hơn sẽ rất cao. Bao nhiêu năm mình đã có kinh nghiệm trong một chỗ, nhưng kinh nghiệm đó không phát tiết được, vì (1) bản chất của ngồi một chỗ thường là như thế–xếp không thấy tài năng của mình, chồng không thấy cái hay cái đẹp của mình. Bụt nhà không thiêng. Nếu phải ra ngoài bây giờ, đây chính là cơ hội để tài năng và phẩm chất của mình được mọi người nhìn thấy và giúp mình phát triển. (2) Kinh nghiệm bao năm mình đã tích lũy (trong văn phòng, hay trong việc làm mẹ), tự nó sẽ giúp mình đi lên một nấc thang cao hơn.
Điều quan trọng ta cần ghi nhớ là hiểu rõ vận hành của stress. Stress luôn luôn đến khi có thay đổi, ngay cả khi thay đổi đó là việc tốt chính mình lựa chọn, như lập gia đình, đổi nhà mới. Bản tính của con người là không thích thay đổi, cho nên nếu có thay đổi là có stress. Hỏi các cô dâu chú rể và các đại gia mới chuyển nhà, thì biết ngay. Khi mình bị ném vào thay đổi trái ý mình, như bị mất việc hay ly dị, thì stress còn cao hơn rất nhiều lần. Cộng thêm vào đó lo lắng—tìm đâu ra việc mới, làm sao lo cho mấy đứa con—stress sẽ tăng thêm một tầng rất cao nữa. Cộng thêm vào đó một cảm giác về sự bất lực và yếu kém của mình—cái cảm giác “mình chẳng đáng gì cả”—stress sẽ tăng thêm một tầng nữa. Những tầng stress này chồng lên nhau như một trái núi khổng lồ, đủ để làm mình tuyệt vọng. Nhiều người bị đau tim và chết trong những tình huống như vậy.
Lội bộ khó, thì ta đi đò
Lội bộ khó, thì ta đi đò
Vì vậy, trước tiên là ta phải biết cách quản lý stress, nếu không stress sẽ đè ta ngợp thở, chẳng làm gì được. Quản lý bằng cách nào?
Thứ nhất, về tư tưởng, ta cần phải nhắc nhở mình thường xuyên truyện “Ông già mất ngựa,” và tin rằng mầm tốt đã bắt đầu cho mình rồi, chỉ cần kiên nhẫn một tí thì sẽ thấy được, như đã nói trên.
Thứ hai, khi cực kỳ khó khăn, cũng như người bị ngã lăn từ trên xuống dưới chân dốc, con đường chỉ còn có một hướng là đi lên mà thôi. Phải nghĩ như thế.
Thứ ba, đừng coi thường mình và nghĩ là mình chẳng đáng gì cả (dù là stress SẼ làm mình nghĩ như thế). Thay vì vậy, hãy nghĩ rằng, vì bản tính con người là không thích thay đổi, cho nên Trời phải đóng ập cửa này, để đẩy mình vào một cửa tốt hơn mà Trời đã mở sẵn cho mình. Trời luôn luôn yêu mình, mình có biết chuyện đó hay không mà thôi.
Thứ tư, giữ thân thể hoạt động thường xuyên—thể thao, tài chí, nhổ cỏ, làm vườn, khuân vác, hay chạy tới chạy lui lo công việc, nhất là đi bộ hay đi xe đạp. Một cơ thể vận động thường xuyên là thần dược chống stress.
Thứ năm, uống một hai hớp (không phải một hai lít 
:-)
 ) rượu chát trước khi ngũ, vừa dễ ngũ vừa tốt cho sức khỏe (Đừng dùng thuốc ngũ. Thuốc ngũ thường tăng stress).
Thứ sáu, tập trung tư tưởng vào “hôm nay”—hôm nay tôi phải làm gì?—và cứ vậy mà làm. Đừng nghĩ đến quá khứ đã qua, và ngày mai chưa đến. Đợi ngày mai đến rồi hãy tính. Ngày nay mà làm tốt, ngày mai có thể có chuyện tốt bất ngờ, chưa thể biết trước được.
Nói chung, là để quản lý stress ta phải suy nghĩ tích cực, giữ cho cơ thể hoạt động, bảo đảm giấc ngũ tốt, và tập trung tư tưởng và hành động vào “hôm nay.”
Trở lại, luận đề “khó khăn.” Ta đã nói khó khăn sẽ mang đến phần thưởng lớn. Nhưng nếu tôi khai phá thương mãi mới mà thất bại thì sao? Ồ, ý bạn nói là công ty bị bankrupt? Thế thì những thích thú bạn đã nhận được trong khi “chiến đấu” thì sao? Và những kinh nghiệm có-một-không-hai bạn đã gặt hái trong tiến trình làm việc thì sao? Đây là loại việc khó khăn chẳng ai dám làm, thành ra kinh nghiệm của bạn là loại vô giá không ai có được, không ai học được, chỉ có mình bạn có. Kinh nghiệm bạc triệu này là vốn liếng cho lần thành công lớn sắp tới của bạn đó!
Tóm lại, đã đối điện và vật lộn với khó khăn thì không lời nhiều cũng lời ít. Đây là cuộc đi buôn không có lỗ, cuộc chiến tranh không thất bại. À, viết đến đây tự nhiên mình nhớ đến đoạn Thánh Kinh kể lại chuyện Jacob vật nhau với Chúa. Sau cuộc vật đó, cuộc đời Jacob chỉ có đường đi lên. Đã bao năm mình không hiểu lý lẽ của “vật nhau.” Gặp nhau đủ rồi, mắc gì mà phải vật nhau? Bây giờ hình như là “hốt nhiên đại ngộ.” Phải chăng lý lẽ đó nằm trong hai câu mình tình cờ mới viết cách đây một phút, bên trên: “Vật lộn với khó khăn” và “Cuộc chiến không thất bại”? Thật là lạ lùng! Câu hỏi nhiều năm trong đầu, tự nhiên ngay lúc này nhảy ra, với cái gì đó như là câu trả lời. Hmm… vật nhau với khó khăn là vật nhau với chính Thượng đế, là cuộc đấu tranh không hề thất bại cho con người sao? Các bạn trả lời hộ mình nhé.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét