Thứ Hai, 10 tháng 12, 2012

Chèo thuyền trên dòng đời


Chèo thuyền trên dòng đời


Chào các bạn,
Bài này mình viết đặc biệt cho các bạn trẻ–xấp xỉ 20, 30—dù là các bạn khác thì cũng không bị cấm đọc 
:-)


Các bạn thấy mình nói rất nhiều về tĩnh lặng, và vì các bạn còn trẻ, với nhiều khối tấn calories trong người phải tiêu thụ mỗi ngày, tĩnh lặng có thể là điều cuối cùng các bạn quan tâm.
Nhưng giả sử các bạn không muốn chỉ là sinh viên hay chuyên gia bình thường, mà còn muốn hành hiệp giang hồ khi cần—như khi thấy vài tên du côn hiếp đáp ai đó trên đường phố, bạn có thể ra tay can thiệp—thì có lẽ các bạn nên đi học võ. Và nếu bạn may mắn gặp được một sư phụ chân truyền, điều đầu tiên bạn sẽ được dạy là biết tĩnh lặng (và nhịn nhục).

Nói thế để các bạn biết là môn tĩnh lặng này là bí kíp chân truyền của võ học chiến đấu trên đường phố, không phải là tĩnh lặng chỉ để ngủ, và nó rất thích hợp và cần thiết cho tuổi trẻ muốn làm việc khó khăn với đời. Nói thẳng ra là, nếu bạn cho rằng tĩnh lặng không cần thiết cho người trẻ năng động, có nghĩa là bạn chưa từng năng động đủ, nhất là năng động trong các công việc khó khăn mà mình có thể ăn đòn nhừ xương.
Chúng ta hay nói cuộc đời là một dòng sông, thế thì thân ta là con thuyền trong dòng sông đó, và tâm ta là người chèo thuyền. Khi nước lặng, trăng thanh gió mát, thì thuyền tĩnh lặng, và ta chẳng lý do gì để nhồi thuyền. Nhưng khi gặp bão tố hay thác ghềnh, thì ta cứ phải cố hết sức để làm con thuyền tĩnh lặng trên mặt nước càng nhiều càng tốt, tức là thuyền càng ít bị nhồi càng tốt, để chống chọi bão tố và ghềnh thác. Đó là tại sao ta cần biết tĩnh lặng trong tâm để đi qua cuộc đời một cách thành công.
Khỏi nói thì ai trong chúng ta cũng đã bị nhồi thường xuyên rồi, nhưng mức độ nhồi, mức độ bão tố và ghềnh thác, chỉ gia tăng theo tuổi tác, vì công việc ta càng ngày càng rộng lớn, liên hệ càng ngày càng rộng lớn, trách nhiệm càng ngày càng rộng lớn, và “thuyền to thì sóng lớn”, ông bà đã nói.
Vì vậy, muốn thành công chèo thuyền tiến tới vài mươi năm nữa, chúng ta nên học chèo thuyền tĩnh lặng trong mọi hoàn cảnh lúc này. Nếu hai người cùng khởi đầu trong một công ty lớn với cùng một công việc cùng lúc, 3 năm sau người tĩnh lặng có thể trở thành chỉ huy của người thiếu tĩnh lặng, 10 năm sau người tĩnh lặng có thể là người chỉ huy mấy tầng cao hơn.
Kiểm soát được tâm ta là yếu tố 99% của thành công trên đời. (1% còn lại là gì mình chẳng biết, cho nên chừa đó cho cái không biết 
:-)
 ). Tất cả mọi thứ, mọi kỹ năng khác, là từ tâm mà ra. Nếu quản lý được tâm ta, ta quản lý được tất cả những gì thuộc về ta. Và khi nói đến quản l‎ý tâm ta, tức là ta nói đến “tĩnh lặng.”
Tâm ta hay tự ái vặt… tĩnh lặng.
Tâm ta hay nổi nóng… tĩnh lặng.
Tâm ta hay ganh tị… tĩnh lặng.
Tâm ta hay sợ hãi… tĩnh lặng.
Tâm ta hay tham lam… tĩnh lặng.
Tâm ta muốn làm việc phi pháp… tĩnh lặng.
Một tâm đủ sức mạnh để tĩnh lặng, đương nhiên là đủ khả năng làm các việc khác:
Ta lười biếng, tâm sẽ bảo ta siêng năng.
Ta bỏ cuộc, tâm sẽ bảo ta gắng lên.
Ta không muốn đi học, tâm sẽ bảo ta tiếp tục.
Cho nên muốn thành công trong đời, thì quản l‎ý tâm, huấn luyện tâm, là chính.
Rất tiếc là môn quản l‎ý tâm chẳng trường nào dạy cả–nói chung là giáo dục phổ thông rất khiếm khuyết trong việc đào tạo nhân tài. Tại sao?
Tại vì lịch sử thế này: Khi xưa mọi chương trình giáo dục mọi nơi trên thế giới đều có huấn luyện tâm. Đó là cái mà ta gọi là học đạo đức trong chương trình giáo dục. Ở Việt Nam thì lấy nho giáo làm chính, trộn thêm Phật giáo và Lão giáo; ở phương Tây thì các chương trình học đều là chương trình Thiên chúa giáo với các môn triết học và đạo đức học Thiên chúa giáo. Nhưng kể từ cách mạng dân quyền của Pháp 1789, một làn sóng tách rời đạo giáo ra khỏi giáo dục khoa học ra đời, kéo dài đến nay, cho nên các môn luyện tâm của các tôn giáo bị biến mất khỏi học đường. Thế cũng được, ngoại trừ chẳng có môn luyện tâm nào thế vào cả, vì ngoài tôn giáo ra thực sự là chẳng có nơi nào có thể luyện tâm đến mức rất sâu. Rốt cuộc thế giới đào tạo nhiều thế hệ tiến sĩ với con tim cạn chỉ đến mức ngoài da, và như thế thì kiến thức cũng cạn mức ngoài da. (Các bạn có bao giờ hỏi tại sao bao nhiêu đại tiến sĩ bằng cấp cùng mình ở Washington và nước Mỹ trong hệ thống quyền lực và trí thức của nước Mỹ lại ủng hộ Bush đưa quân vào Iraq không? Trong khi hầu như ai ở VN cũng thấy đó là chiến lược tồi? Thưa, vì kiến thức của họ trong vấn đề đó chỉ tới đó, chẳng thấy được cái sai lúc đó. Đừng tin vào bằng cấp và kiến thức thời nay. Đến lúc đụng chuyện khó khăn, thì rất nhiều trí thức không thấy đường, chỉ vì họ không có được chiều sâu cần thiết của con tim để hiểu các vấn đề phức tạp một cách sâu sắc. Người Việt ta ai cũng hiểu vấn đề Iraq vì ta đã có kinh nghiệm chuyện đó).
Dĩ nhiên, người biết thì vẫn học luyện tâm trong các hệ thống tôn giáo, và sau này trong sách vở lấy kiến thức từ các tôn giáo nhưng biến nó thành khoa học “phi tôn giáo”.
Vậy thì ta phải tự tìm cách mà học. Nếu thiếu chiều sâu con tim, cái bằng lớn của các bạn từ một đại học lớn của thế giới, chẳng nghĩa lý gì cả, vì nói chuyện với người có kiến thức sâu (dù họ chẳng có bằng), cái dốt của bạn sẽ lòi ra ngay.
Lý do mình nói với các bạn các chuyện này vì mình đã tốn thời gian loay hoay nghiên cức học hỏi thực hành các chuyện này đã mấy mươi năm, bây giờ nhắc các bạn để may ra các bạn sẽ không bị mệt mỏi như mình trước kia, và đỡ tốn vài chục năm tìm tòi rất mệt.
Nếu các bạn không quan tâm, thì cũng không sao. Đằng nào các bạn cũng sẽ phải học với đời. Chỉ là học nhanh hay chậm và trả giá thấp hay cao mà thôi. Chúng ta có tự do lựa chọn mà. 
:-)
Chúc các bạn một ngày vui.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét