Thứ Hai, 10 tháng 12, 2012

Ba hành động tích cực căn bản


Ba hành động tích cực căn bản


Chào các bạn,

Nếu chúng ta nghiên cứu các truyền thống tâm linh cùng mọi kinh sách thì chúng ta sẽ thấy là đúng là thiên kinh vạn quyển. Thực ra thì vạn quyển cũng chưa đúng, ngày nay tất cả các truyền thống tâm linh cộng lại phải có hàng triệu quyển. Cứ vào các nhà sách tâm linh và tôn giáo thì thấy. Và đó là vấn đề lớn của phát triển tâm linh, vì đa số mọi người từ hàng thầy đến hàng giáo chúng thường thích nói, giảng và đọc về đủ mọi thứ triết lý, đọc mãi nói mãi giảng mãi nhưng không bao giờ hết. Và người ta tốn cả đời để nói triết lý và chẳng được gì hết, vì mục đích của tất cả mọi thứ triết lý đó cũng chỉ là để thuyết phục mọi người nên làm chỉ một vài hành động căn bản hàng ngày, nhưng ít người làm và nhiều người nói/đọc/giảng.
Duy có một điều mà nhiều người không biết là, các triết lý tâm linh rất khó hiểu khi người ta đọc và nói triết lý, có khi cả đời chẳng hiểu ra, nhưng nếu thực hành vài điều căn bản kia, thì ta sẽ hiểu triết lý mà không cần phải tốn công suy nghĩ.
Vài hành động căn bản đó là gì?
1. Khiêm tốn: Ai trong chúng ta cũng có cái tôi và chính cái tôi làm cho chúng ta khổ cực, stress, si mê trong Phật gia, lạc lối trong Thiên chúa gia.
Khiêm tốn là không tôi. Quyết liệt không tôi. Không tự ái khi bị phê phán, không nóng giận khi bị đụng chạm, không ghen ghét khi bị mất mát, không thù hận khi bị bất công, không điên tiết khi bị áp bức… Luôn tĩnh lặng, hiền dịu, khiêm tốn.
Đây chính là điều các thánh nhân đều dạy, nhưng chúng ta không dám mang ra để dạy nhau, nên ta lảm nhảm triết lý với nhau. Khi quân Do thái đến bắt Chúa Jesus, một người đệ tử rút gươm chém đứt tai một người lính Do thái, Jesus mắng người đệ tử: “Satan, lùi lại!” rồi người chữa lành tai người lính Do thái. Satan là quỷ dữ. Tức là, nóng giận khi bị xâm phạm không chỉ là sai, mà là đã bị quỹ dữ sai khiến. Trong cuốnThanh Tịnh Đạo của luận sư Phật Âm, có đoạn nói về Phật Thích Ca đã bị rất nhiều hành hạ và giết chóc qua nhiều kiếp nhưng không bao giờ người chống lại. Điều hiển nhiên là chúng ta thấy hai vị đại sư này ngày nay thắng cả một phần lớn nhân loại chính vì lối sống “không tôi” triệt để đó. Đây là dùng tình yêu và “không tôi” để chiến thắng quả tim con người.
Nhưng chúng ta không muốn triệt để như thế, cho nên ta lảm nhảm triết lý với nhau. Sự thật là nếu chúng ta không luyện tập “không tôi” triệt để, thì lảm nhảm triết lý 100 năm cũng chẳng được gì. Thà là để thời giờ đi tắm biển hay chơi volley còn sướng hơn. Một là ta tu tập quyết liệt, hai là ta làm việc khác. Chẳng nên vờ tu tập bằng cách lảm nhảm triết lý mà không thực hành đích điểm của triết lý đó. Đâu có ai bắt ta phải vờ vĩn thế đâu.
2. Yêu người vô điều kiện: Yêu người dù người làm tốt hay xấu, yêu ta hay hại ta, yêu xa hội hay hại xã hội, dù người là bạn hay thù, là thiện hay ác. Yêu mọi người, một chiều, không đòi hỏi đáp trả, vô điều kiện.
Ghét tội, nhưng yêu người có tội. Trong Kinh Từ Tâm, Phật Thích Ca dạy ta từ tâm với “tất cả mọi người”. Chúa Jesus dạy yêu cả kẻ thù. Nếu ta tin hay vị này, thì ta làm thế. Nếu ta không tin thì không cần làm. Nhưng đừng mang triết lý của hai vị ra lý giải lăng nhăng để không làm điều hai vị nói. Chẳng ai bắt ta lý giải lăng nhăng thế cả.
3. Thành thật: Nghĩa là đừng nói dối, đừng nói nhập nhằng nửa trắng nửa đen để lừa người khác, đừng nói một nửa và giấu một nửa để người ta hiểu lầm, đừng có ít nói ra nhiều, đừng nói biết khi chưa biết…
Chúng ta có rất nhiều lý‎ do để không nói thật–vì cần đánh bóng cái tôi, vì thành kiến chính trị hay tôn giáo, vì tuyên truyền chủ nghĩa, vì phe đảng, vì gian tham, vì đủ lý lẽ riêng. Nếu bạn không muốn nói dối thì đừng nói gì cả, không cần phải nói dối rồi viện đủ lý lẽ lung tung.
Các bạn, thiên kinh vạn quyển không qua khỏi ba điều căn bản này. Nhưng các “thầy” không dám đụng đến ba điều căn bản này một cách quyết liệt, cho nên các thầy thích đàm luận l‎ý thuyết vòng ngoài.
Các bạn không cần phải theo ba điều này vì các điều này không dành cho người trung bình và cũng không đòi hỏi cho ai cả, mà là dành cho người muốn đi con đường các bậc thánh nhân đã đi.
Còn các bạn muốn đi đường các thánh nhân đã đi, thì đừng nhập nhằng. Các vị thầy đã đi đường này và đã chiến thắng hơn hai nghìn năm, cho đến nỗi giờ này các vị thầy này vẫn là những người có nhiều đệ tử nhất trên thế giới.
Đặc biệt là các bạn tự nhận mình là đệ tử của các vị thầy này, thì một là làm theo lời thầy dạy, hai là get out. Đừng nhập nhằng.
Và các điều này vẫn rất thực tiễn trong thế giới bận rộn ta đang sống hàng ngày. Chúng là con đường đưa đến thành công trong mọi lãnh vực thương mãi, kinh tế, chính trị của chúng ta. Chúng là nghệ thuật lãnh đạo hàng đầu, của các hàng lãnh đạo quốc gia.
Chúng ta cần làm việc với lòng tin và quyết tâm như thế. Tại sao thiên hạ cứ nói thời này là thời mạt pháp? Tại sao lại là mạt? Thời này kinh sách nhiều hơn thời xưa hàng triệu lần, và người ta rất thích đàm luận và tranh luận chuyện kinh sách, chỉ để tránh thực hành các điều căn bản nhất mà kinh sách dạy. Đó là mạt. Chiến tranh trên thế giới đã xảy ra và sẽ tiếp tục xảy ra vì người ta dùng kinh sách để lý giải chuyện đánh nhau. Nhưng nếu người ta chỉ thực hành vài ba điểm căn bản của kinh sách dạy, thì chẳng thể có chiến tranh, từ trong vòng gia đình và bạn bè, đến công ty, đến quốc gia, đến quốc tế.
Hãy làm hơn là nói.
Chúc các bạn một ngày vui.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét