Thứ Hai, 10 tháng 12, 2012

Chọn mặt gởi vàng

Chọn mặt gởi vàng

Thỉnh thoảng một vài thương gia nhờ mình viết hợp đồng liên doanh mở công ty, và lâu lâu mình lại gặp một trường hợp mà vị thân chủ có rất nhiều lo âu với đối tác: “Nếu mai mốt anh ta chơi tôi như vầy, như vầy, thì tôi phải làm sao.” Mình trả lời: “Việc đó thì dễ. Để mình vô hợp đồng câu này, thì tránh việc đó được.” Môt hồi sau, vị thân chủ nhắc đến một vấn đề khác: “Nếu anh ta lại tính như vầy, như vầy thì sao?” Mình đương nhiên là ghi thêm vào hợp đồng một câu mới. Một hồi sau đó, vị thân chủ lại nhắc thêm một vấn đề khác: “Còn nếu anh ta lại làm vầy, làm vầy, thì sao?” Đến lần thứ ba như vậy, mình thường thường ngưng viết, nhìn thẳng mặt vị thân chủ và nói: “Dĩ nhiên là mình có thể ghi thêm một câu đề phòng mới. Nhưng mình có vấn đề quan trọng này muốn nói với anh trước. Mình có cảm tưởng là anh không tin tưởng người bạn này và hơi lo lắng về việc anh ta chơi xấu anh phải không?” Câu trả lời mình thường nghe được là, “Cũng không phải là không tin, nhưng đề phòng trước vẫn hơn.”
Lúc đó mình thường nói câu này: “Mình làm việc này lâu rồi, thấy đủ mọi lý do cãi nhau rồi. Dĩ nhiên là làm thương mãi thì nên có hợp đồng để công việc rõ ràng, khỏi tranh cãi và mâu thuẫn. Nhưng mình đã thấy những hợp đồng dài cả trăm trang, hai bên mỗi bên có cả một nhóm luật sư chứ không phải một người. Ký xong, khoảng chừng sáu tháng một năm là cả hai bên đưa nhau ra tòa. Lý do không phải là luật sư của họ dở. Lý do là hai bên không tin nhau ngay từ đầu. Hợp đồng chỉ là tờ giấy. Tờ hôn thú không giữ được vợ chồng. Mình có cảm tưởng là anh không tin ông bạn này của anh tí nào. Đó là dấu hiệu làm ăn với nhau rất nguy hiểm, rất dễ đổ vỡ. Nếu công ty mới mở một thời gian mà hai người cãi nhau là công ty chết ngay. Mình có thể không nói gì, cứ lẳng lặng làm hợp đồng theo ý anh muốn và lấy tiền bỏ túi. Mấy tháng nữa, nếu hai người kéo nhau ra tòa, anh lại trả tiền cho mình để ra tòa. Nếu anh thực sự muốn làm tiếp hợp đồng, mình vẫn có thể tiếp tục hôm nay. Nhưng vấn đề này rất quan trọng, mình phải nhắc anh rồi tùy anh định liệu. Mình nghĩ là anh nên về nhà suy nghĩ một vài bữa, một tuần. Nếu sau đó anh thấy là anh nên làm ăn với ông bạn này, anh em mình có thể viết hợp đồng bất kỳ cách nào anh muốn, đâu có trễ?”
Ký hợp đồng
Ký hợp đồng
Trong các vụ mình cố vấn như vậy, chưa thấy có vụ nào mà người thân chủ tiếp tục dự án làm ăn. Điểm mình muốn nói ở đây là quá nhiều người trong chúng ta quên mất qui luật căn bản nhất trong liên hệ con người: “Người ta phải yêu nhau trước khi ở chung, không thể ở chung trước rồi yêu nhau sau. Hợp đồng ở chung không đưa đến tình yêu.” Liên doanh thương mãi cũng là một loại giá thú, nhất là liên doanh giữa vài cá nhân sẽ làm việc chung hằng ngày—họ sẽ phải sống chung mỗi ngày nhiều giờ hơn là sống chung với vợ/chồng ở nhà. Nếu không tin nhau, ai mà lấy nhau. Vậy thì, tại sao mình lại liên doanh với người mình không tin?
Trong các lớp học về lãnh đạo và quản lý, người ta luôn luôn đặt “vision” hay “mục tiêu tối hậu” của dự án lên hàng đầu—dùng vision để kéo mọi người vào với nhau, giữ mọi người chặt vào nhau. Dĩ nhiên là điều này đúng, nhưng không mấy ai nói thêm rằng, đối với những người lãnh đạo sáng lập công ty, thường là họ đã thân thiết nhau và tin cẩn nhau trước khi họ có vision, trước khi họ lập công ty.
Vì lòng tin cần một thời gian khá lâu để xây dựng, thông thường người ta chỉ tin những người đã quen biết lâu năm, tức là những người bạn mình đã thân lâu năm. Vì vậy, đừng ngạc nhiên nếu bạn đang thất nghiệp, bỗng nhiên có cú điện thoại từ một người bạn cũ, bây giờ đang là tổng giám đốc một công ty, cần bạn giúp một tay để quản lý công ty. Trong đời sống thương mãi, những chuyện như vậy xảy ra hầu như hằng ngày.
Lý lẽ này có hai ứng dụng quan trọng. Thứ nhất, bạn bè của mình là vốn liếng rất lớn của mình. Cho nên hãy quí tình bạn và nuôi dưỡng nó từ lúc này. Càng lâu ngày, tình bạn càng cho mình nhiều hoa trái. Càng về sau, hoa trái càng thơm tho ngọt ngào. Thứ hai, bạn bè của mình cũng là nơi mà tiếng tăm của mình bắt đầu. Trong giới thương mãi và chính trị, chuyện như thế này thường xảy ra: “Chị Hà, chị làm việc với anh Tuấn mấy năm liền, em nghe nói anh ấy rất giỏi về vi tính, tính mời anh ấy qua bên em làm việc, nhưng không biết anh ấy thế nào. Chị thấy anh ấy thế nào?” Dĩ nhiên là câu trả lời của chị Hà trong tình huống này có ảnh hưởng rất lớn. Vì vậy, cách sống của mình với bạn bè và những người gần gũi mình có thể ảnh hưởng đến cuộc đời mình lớn lao hơn mình nghĩ. Và tiếng tăm mình có ngoài xã hội, phần lớn cũng là từ tiếng tăm mình có với những người gần gũi. Nếu thành thật đứng đắn với bạn bè, tức là thành thực đứng đắn với xã hội. Nếu bạn bè mình không thể tin lời mình nói, thì cả xã hội rồi cũng thế thôi. Dĩ nhiên ở đời vẫn thường có những chuyên gia chuyên lừa bịp người lạ, nhưng đó chỉ là một hai lần rồi chạy, phải không? Trong trường kỳ, chỉ có danh tiếng thực là đứng vững.
Bạn tốt
Bạn tốt
Trở lại vấn đề công ty, giã sử hai người thành lập công ty thân nhau và tin nhau. Nhưng các nhân viên là người mới, làm sao để họ có thể tin tưởng và gần gũi nhau? Thưa, đó là do các vị lãnh đạo. Nếu các vị ấy thành thật đứng đắn thì tự nhiên mọi người trong công ty sẽ thành thật đứng đắn theo, và cả công ty sẽ có danh tiếng thành thật đứng đắn. Nếu lãnh đạo dối trá, từ từ toàn thể cấp dưới cũng thế, và cả công ty sẽ có tiếng là không thành thật trên thị trường. Người tốt rồi cũng tìm cách rời công ty, hoặc nếu có ở lại thì cũng chỉ rất thụ động và tiêu cực.
Ảnh hưởng từ tâm của mình, đi ra đến bạn bè của mình, lan rộng ra cả mọi người trong công ty hay cộng đồng của mình, đi dài theo cả đời mình, rất là mạnh mẽ và trực tiếp, các bạn a. Quả tim của mình có sức mạnh nhiều hơn mình tưởng. Và trong tất cả các ảnh hưởng, có lẽ lòng thành thật (hay không thành thật) là ảnh hưởng ra ngoài mạnh nhất. Người ta có thể gần gũi với người tự cao, người tự ti, người yêu nước, người không yêu nước, người giỏi, người dốt. Nhưng không ai dám gần gũi người không thành thật. Sống chung với họ cứ như là “ngủ với kẻ thù.”
Trong năm đức tính làm người của Khổng giáo—nhân lễ nghĩa trí tín—tín tức là lòng thành thật, đứng cuối cùng. Theo Khổng giáo, nếu mất nhân thì nhờ đến lễ, mất lễ thì nhờ đến nghĩa, mất nghĩa thì nhờ đến trí, mất trí thì nhờ đến tín, mất tín thì chịu thôi!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét