Thứ Ba, 11 tháng 12, 2012

Ôm Ấp Nỗi Đau và Đối Mặt Với Nỗi Sợ

Ôm Ấp Nỗi Đau và Đối Mặt Với Nỗi Sợ

Hàng ngày khi gặp mặt, một người bạn hỏi ’Khỏe chứ?’, nếu câu trả lời của bạn là ‘Khỏe, Cám ơn bạn’ hay ’Cám ơn bạn, mình khỏe lắm’, điều này khá bình thường và thực đáng mừng.
Phần lớn chúng ta thường cảm thấy khỏe mạnh, sung sức và mọi việc ổn. Tuy nhiên trên thế giới có một số không ít người phải chịu đựng nhiều vấn đề. Theo Ros Holmes, ngay cả trong xã hội Phương Tây , với cuộc sống tương đối tiện nghi và an toàn cứ trong 5 người có một người trải qua một mất mát lớn, một nghịch cảnh, một thất bại nặng nề nào đó trong năm qua: mất người thân, mất việc, một cơn bệnh nặng ảnh hưởng chúng ta hay những người thân của ta, khó khăn lớn về tài chính, hay mất đi một mối quan hệ thân thiết …
Nếu nhìn lại 5 năm qua, con số người chịu đựng mất mát này có thể là 50% trong chúng ta. Nhưng bằng cách nào đó chúng ta có thể đối mặt và đương đầu với những mất mát ấy, cũng giống như cơ thể chúng ta có cơ chế bảo vệ chống lại nhiễm trùng và bệnh tật để giúp ta khỏe, tâm trí ta cũng có những cách đương đầu với stress và mất mát để ta có thể giữ được cân bằng về tâm lý và sống vui trong một chừng mực nào đó.
Nhưng vấn đề không luôn như thế. Thường có một cái giá phải trả để có thể chịu đựng những nỗi đau này. Bằng cách gạt sang một bên những suy nghĩ và cảm xúc đau buồn, ta cố gắng vượt qua và bước tiếp, nhưng có thể phải chịu những tổn thương nặng nề về nội tâm hay các triệu chứng về thể lý. Chúng ta có thể trở thành bị tê liệt về xúc cảm hay là nạn nhân thường xuyên của sân hận và lo sợ. Hậu quả của rất nhiều nỗi đau  lại tái  hiện ấy dẫn đến gia đình bất hòa, nghiện rượu và ma túy, luôn bất mãn và không hạnh phúc.
pain1
Ở Mỹ , có 75 triệu trong số 250 triệu người mỗi năm phải gặp các bác sĩ vì những rối loạn tâm thần và tình cảm. Ở Anh , hàng năm 3 triệu người gặp bác sĩ đa khoa , và có 1 trong 3 ca liên quan đến rối loạn về tâm lý. Căn nguyên của những nỗi đau và tổn thương ấy là ở những chịu đựng về mất mát. Gần đây, đáng lo thay, tỉ lệ người chịu đựng những sang chấn về tâm lý do mất mát gây ra đã tăng từ 1/ 5 lên 2/ 3.
Lấy một ví dụ về trường hợp thất nghiệp và bị trầm uất. Jason, một thanh niên vui tính,  thân thiện 22 tuổi, mất việc do suy thoái kinh tế. Cậu  bắt đầu thấy buồn rầu, lo sợ , buồn chán, và vô dụng. Sau nhiều tháng thất nghiệp, cậu tìm được một việc khác nhưng không phù hợp với chuyên môn và khả năng của mình. Cậu lại càng cảm thấy bất an và lo âu hơn, nặng nề.  Nỗi sợ mất việc,  vì không đảm đương nổi và làm việc không có hiệu quả sẽ bị sa thải  khiến cậu  càng lo sợ. Một hôm đi qua cầu, Jason nghĩ đến chuyện nhảy xuống như một sự giải thoát, nhưng đột nhiên cậu kịp  nhận ra mình đang định làm gì và bắt đầu suy nghĩ  về vấn đề của mình.
Cậu đã luôn bị che khuất, hay lu mờ dưới cái bóng của người anh với  những thành tích xuất sắc về học tập của  anh ấy, và khổ sở bởi những tham vọng quá lớn ông bố dành cho cả 2 cậu con trai mà xét ra chỉ phù hợp cho anh trai của cậu. Thời đi học, cậu học chậm, cậu còn không nhớ được ngày sinh của chính mình, đọc viết khó khăn và phải vào lớp phụ đạo ở bậc trung học. Cậu bị xem là “lù đù, ngớ ngẩn và kỳ cục”. Cậu thôi học chẳng có bằng cấp gì. May sao cậu xin được một chân học việc nghề xây dựng. Ít lâu sau, cậu thấy thích cộng việc này vì thấy mình làm khá tốt. Rồi cậu bắt đầu lấy lại sự tự trọng và tự tin, sau đó có người yêu. Cuộc đời cậu ổn cho đến ngày mất việc.
pain2
Nghĩ lại chuyện đời mình, cậu cảm thấy sục sôi giận dữ với những người đã coi thường và đánh giá cậu quá thấp: cha cậu, nhà trường, người chủ xây dựng của cậu, và cả chính quyền. Ban đầu cậu thấy bối rối, và có lỗi về nỗi tức giận của mình. Cậu quyết định giáp mặt bố để nói hết suy nghĩ của mình. Cậu ngạc nhiên biết bao trước sự cởi mở và cảm thông của người cha. Ông đã kể cho cậu nghe chính những giai đoạn đau khổ trước đây của ông khi thấy cậu không đạt được kỳ vọng của mình và tỏ ra ân hận.
Jason thấy nhẹ nhõm, từ đó ý nghĩ về một sự kết liễu cuộc đời như một sự giải thoát tiêu cực không trở lại với cậu nữa; cậu bắt đầu thấy khá hơn, và cố gắng để bổ túc chuyên môn cho việc cậu đang làm với sự giúp đỡ động viên của gia đình. Ít lâu sau, cậu  lập gia đình  với người yêu rồi bắt đầu cuộc sống riêng ổn định.
THAY ĐỔI CHUYỂN HÓA THAY VÌ ĐÈ NÉN
Có nhiều cách đối phó với những nỗi đau khổ tâm hồn do hậu quả của những khó khăn, thất vọng, mất mát mà cuộc đời với nhửng lúc thăng trầm gây ra cho ta.Thông thường thời gian cũng có thể làm dịu bớt những nỗi đau ấy. Nhưng với một số người,  những sang chấn tinh thần ấy không lành sẹo được sau một thời gian dài,  mà để lại những hậu quả nặng nề hơn: trầm uất, bi quan, hận đời, sân hận, mặc cảm tự ti, tiêu cực hay ngược lại thô bạo, tàn nhẫn … Có một số trường hợp lại tìm giải pháp trong men rượu hay tệ hại và nguy hiểm hơn là vướng vào ma túy.
talkitout
Các chuyên gia tâm thần học và tâm lý học khuyên người ta nên dũng cảm đương đầu với những tổn thương mất mát ấy từ đầu bằng cách giải bày những gì đang ám ảnh, đang là gánh nặng của mình, với một người bạn, hay một người thân trong gia đình hiểu biết và thông cảm. Đó phải là người biết kiên nhẫn lắng nghe, và thậm chí ngồi yên để nghe người kia la hét nếu làm như thế khiến người hét thấy dễ chịu hơn. Nếu không có một người như thế, chắc chắn cần tìm đến một chuyên gia tư vấn.
Một điều đáng lưu ý là sự đè nén các nỗi đau và mất mát ấy có thể không dẫn đến những hậu quả tiêu cực nếu người phải chịu đựng những nỗi đau  ấy thuộc loại người có tố chất lạc quan, nhân cách mạnh mẽ, và một nhân sinh quan tích cực. Với những người có nhân sinh quan tích cực, họ nhìn nhận vấn đề thoáng hơn, và họ luôn tự nhủ rằng “sông có khúc, người có lúc”, “mất mát và thất bại là chuyện tất yếu trong cuộc đời này”, “ các thất bại hay mất mát chỉ là thử thách”, và “thua keo này ta bày keo khác”.
Họ luôn tự tìm đến các nguồn trợ giúp tin cậy mà họ có sẵn. Những người lạc quan tích cực thường có nhiều bạn, nhiều mối quan hệ tích cực tương tác. Và như thế họ tự an ủi,  được nâng đỡ, và  họ lại ấp ủ,  nung nấu ý tưởng làm lại hay bắt đầu một kế hoạch mới để tiếp tục khẳng định mình. Với họ thất bại cũng có thể chấp nhận được giống như thời tiết vậy. Sau cơn mưa trời lại sáng và đẹp. Hiểu như thế thì việc ôm ấp nỗi đau và đối mặt đương đầu với nỗi sợ ( mà anh Hoành và Kiêm Yến đã bàn đến ) không phải là không khả thi.
Và ta lại thấy tác dụng tốt, hiệu quả cao  của liệu pháp rèn luyện nhân sinh quan tích cực, lạc quan  trong  các lĩnh vực cuộc sống.
( Những suy nghĩ từ The Good Mood Guide: How to Embrace Your Pain and Face Your Fears, by Ros Holmes )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét