Thứ Ba, 11 tháng 12, 2012

Luyện tập tư duy tích cực

Luyện tập tư duy tích cực

Các bạn có một kỹ năng nào đó, như chơi đàn ghita, piano, bóng chuyền, bóng rổ, khiêu vũ, võ thuật, sẽ kinh nghiệm điều gì nếu mình ngưng chơi một thời gian khá lâu? Rỉ sét. Đúng vậy, ngưng hơi lâu là kỹ năng của mình bị rỉ sét. Càng ngưng lâu thì càng rỉ sét nhiều. Cho nên nghỉ chơi lâu quá, lúc bắt đầy chơi lại, phải cần một thời gian khá lâu mới lấy lại phong độ từ từ. Nhiều khi bỏ quá lâu năm, mình không thể lấy lại phong độ của “thời hoàng kim” được.
Các kỹ năng tinh thần cũng vậy. Tư duy tích cực không phải là hủ gạo Thạch Sanh, ăn hoài không bao giờ hết. Tư duy tích cực là đôi cánh tay tinh thần với nhiều cơ bắp trong đó. Đôi tay này chỉ có thể khá lên và tiếp tục tăng phong độ nếu mình tập luyện mỗi ngày. Không phải là mọi cánh tay trên thế giới đều như nhau, ngay cả cánh tay mình sáu tháng trước đây và ngày hôm nay đã khác nhau nhiều, tùy theo mình đã dày công tập luyện thế nào.
Tất cả mọi kỹ năng cơ thể hay tinh thần đều được chi phối bởi một quy luật sinh học giản dị: Những cơ phận có thực phẩm và luyện tập hàng ngày sẽ phát triển khá; ngược lại, chúng sẽ yếu đi.
Mình có vài người bạn, lâu năm không nói chuyện nhiều, một lúc nào đó nói chuyện hơi dài giờ, mình giật mình vì so với người bạn tích cực mình biết ngày xưa, người bạn bây giờ tiêu cực đến mức hết thuốc chữa. Một người bạn cũ hồi trung học của mình, gần đây đã quyết đoán với mình là vụ 911 ở Mỹ không phải là do khủng bố, mà là do CIA dàn cảnh để có cớ tấn công Afghanistan và Iraq, và anh ta sẵn sàng cho mình liên kết đến các trang web “thông thái” để đọc và nghiên cứu vấn đề !! Tiêu cực đến mức tin rằng chính phủ Mỹ dàn cảnh để giết mấy ngàn dân Mỹ, và cả nựớc Mỹ và thế giới đều ngu dốt đến mức không ai biết, ngọai trừ vài trang web “thông thái” đâu đó, thì đúng là hết thuốc chữa. Mình thực là vừa sốc vừa buồn.
Nhưng đây cũng là một thí dụ rất rõ để các bạn thấy được cái mà ta gọi là “kiến thức” không phải là trung tính (neutral). Không phải là cứ đọc sách hay nghe giảng là tự nhiên có kiến thức vào đầu. Kiến thức của ta lệ thuộc trực tiếp vào thái độ tư duy của ta. Người tiêu cực thì đầu óc hạn hẹp cho nên kiến thức không vào được, và nếu có vào thì cũng bị bóp méo dữ dội để có thể cố chen qua khung cửa chật hẹp đó. Người tích cực, vì đầu óc rộng mở, cho nên kiến thức chạy vào như đi qua xa lộ thênh thang, học một biết mười.
guitarpractice
Giới quản lý thường nói với nhau, “Gặp người tiêu cực thì huấn luyện họ rất vất vả, đôi khi không thể được.” (tức là phải cho họ nghỉ việc, vì các công ty không đủ sức chịu tốn kém với người như thế). Vì vậy, khi tuyển nhân viên, yếu tố quan trọng nhất—không có gì so sánh được—để người phỏng vấn (giám đốc nhân viên hay một lãnh đạo nào đó) tìm kiếm trong người được phỏng vấn là tư duy tích cực. Mọi thứ khác, như kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn, đứng hàng thứ hai.
Nhưng làm thế nào để chúng ta có thể nuôi dưỡng và huấn luyện tư duy tích cực mỗi ngày?
I. Thực phẩm
• Về thực phẩm thì các bài viết về tư duy tích cực, về tình yêu con người, về cái đẹp của con người và của thế giới, các tin tức tích cực vui vẻ yêu đời, đều là thực phẩm tốt cho tư duy.
• Với người quen tập thiền, ngồi tĩnh lặng, suy niệm đến từ bi hỉ xả (tứ vô lượng tâm).
• Với người quen niệm phật Adiđà, niệm Phật Adiđà đúng cách, suy niệm rằng mình sẽ là Phật như Phật Adiđà (như trong kinh Vô Lượng Thọ Phật) thì rất là tích cực.
• Với người quen cầu nguyện trong Thiên Chúa Giáo, suy niệm hai điểm căn bản của Thánh kinh: “Thượng đế tạo con người theo hình ảnh của thượng đế.” Và Luật Vàng (golđen law) của chúa Giêsu: “Thứ nhất yêu Thượng đế, thứ nhì yêu láng giềng như yêu chính mình.”
• Nói chuyện, chia sẻ, thường xuyên với các bạn có tư duy tích cực.
drumpractice
II. Về thực hành
• Dĩ nhiên ta cố gắng vui vẻ, bình tĩnh, hăng hái trong mọi trường hợp, với mọi người.
• Nhưng đó là trên lý thuyết, trên thực tế, một lúc nào đó, chuyện gì đó sẽ làm ta mất bình tĩnh, nóng giận, quá căng, sợ hãi, băn khoăn, … và có thể ta cũng không biết là ta đang như thế, cho đến khi chuyện đã qua rồi.
• Nếu ta bắt gặp mình nóng giận ngay khi đang nóng giận là khá rồi. Chỉ cần nói là “À, mình đang nóng giận. Đâu có gì phải nóng giận.” Rồi hít thở vài hơi thở thật sậu và thật chậm, đợi cơn giận qua đi. (Sợ hãi, lo lắng, v.v… thì cũng thế).
• Nhưng nếu không bắt gặp kịp chính mình, và thường là phải qua chuyện rồi mới thấy, thì cũng không sao. Trượt chân là chuyện bình thường. Ai đã chưa từng trượt chân, ngọai trừ những người bị bệnh liệt giường? Điều quan trọng là mình thấy mình trượt chân, bởi vì có nhiều người trượt chân một ngày 20 lần, nhưng họ không biết là họ trượt chân, họ tưởng rằng con người thì ai cũng phải đi kiểu đó—đí vài bước trượt chân một lần, cả đời—không cần và không nên thay đổi cách đi.
• Chỉ cần ta nhận ra là “À lúc đó rõ là mình nóng quá (hay sợ quá, hay…) mất khôn”, đương nhiên là mình sẽ có tư tưởng tự nhiên tiếp theo, “Mai mốt sẽ rán không như vậy nữa.”
Chỉ cần như vậy thôi. Điểm cốt cán để chúng ta lưu ‎ý ở đây là: Tư duy tích cực là một lọai kỹ năng, cũng như tất cả các kỹ năng khác, phải được nuôi dưỡng, sử dụng, luyện tập hàng ngày. Ta có thể rất tích cực hôm nay, nhưng nếu ta tiêu thụ “thực phẩm” tiêu cực hàng ngày, và cũng không quán sát hành động và tâm thức của mình thường xuyên, một lúc nào đó ta sẽ trở thành tiêu cực. Các “cơ bắp” tinh thần phải có (1) thực phẩm tích cực và (2) thực hành tích cực hàng ngày, thì mới có tiến bộ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét