Trở thành kẻ thù tồi tệ của chính mình có nghĩa rằng lúc nào bạn cũng cảm thấy lo lắng và hoài nghi về khả năng thành công của bản thân. Trong vở kịch Julius Caesar của Shakespeare, một nhân vật từng nói như sau "Sai lầm không nằm ở số phận mà ở trong chính bản thân chúng ta". Con người ta thường có khuynh hướng đổ lỗi cho hoàn cảnh khi gặp phải thất bại mà chưa khi nào thẳng thắn tự nhìn lại mình. Đã bao giờ bạn phàn nàn mình không có đủ thời gian để làm việc gì đó trong khi lại trì hoãn đến lúc không thể mới bắt tay vào thực hiện? Đã bao giờ bạn đi làm muộn và đổ lỗi tại giao thông trong khi thực tế là đã ngủ nướng?
Nếu câu trả lời là có thì cũng xin đừng e ngại bởi bạn không phải là người duy nhất như vậy. Ai cũng có thể phạm sai lầm hay đôi khi phá vỡ quy tắc cá nhân. Tuy nhiên, nếu việc này tái diễn thường xuyên thì nó sẽ trở thành một thói quen xấu. Vì vậy, hãy cùng Stylist.vn tìm hiểu lý do dẫn đến tình trạng này ngay sau đây.
Sợ thất bại
Thật đáng sợ khi nghĩ đến việc mình đã nỗ lực hết sức nhưng vẫn thất bại. Do đó bạn tự huyễn hoặc bản thân rằng mình không thể làm được việc này. Để rồi nếu chẳng may thất bại, bạn lại tự vỗ về "Nếu có thêm thời gian hẳn là tôi đã làm tốt hơn rồi" hoặc "Lẽ ra tôi đã hoàn thành công việc đúng thời gian nếu không phải đưa con đi chơi".
Sợ thành công
Thật oái ăm là đôi khi con người ta cũng sợ thành công. Họ sợ mất đi cuộc sống êm ả thường ngày mà thay vào đó sẽ nhận sự đố kỵ từ bạn bè hay đồng nghiệp. Và cũng chính vì điều này mà những người như vậy không bao giờ có thể đạt được điều họ muốn.
Không kiềm chế được cảm xúc
Nhiều người trong số chúng ta thường không biết cách kiềm chế cảm xúc bản thân. Do đó họ thường có phản ứng bột phát khi có điều gì bất ngờ xảy đến. Điều này khiến chúng ta gặp khó khăn trong việc kiểm soát sự nôn nóng cũng như trì hoãn cảm giác hài lòng, hai yếu tố rất cần thiết để thành công trong bất cứ việc gì.
Cảm thấy bất mãn
Nếu một người không hài lòng với công việc mình đang làm thì họ sẽ không thể nào hết lòng cho nó được. Tệ hơn là giả vờ thất bại để lần sau không bị giao việc đó nữa. Nhưng thật may là khi nhận ra được bản thân mình đang có những suy nghĩ tiêu cực thì bạn vẫn có thể sửa đổi. Tâm sự với bạn thân hay viết nhật ký đều là những cách hay để ngăn những cảm xúc tiêu cực ảnh hưởng không tốt đến bạn. Bên cạnh đó, nếu cần thiết bạn cũng có thể đến gặp bác sĩ tâm lý cũng như tham gia sinh hoạt tập thể để học hỏi một số cách nhằm giúp cải thiện tình trạng của mình. Một khi đã trang bị những kiến thức, có được sự giúp đỡ và khuyến khích từ người khác thì bạn có thể chấm dứt những hành động ảnh hưởng tiêu cực đối với bản thân cũng như đạt được thành công hằng mong muốn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét