Thà rằng ít học…
Sáng nay, người ta hỏi nhau, không biết những đứa trẻ có bố mẹ đạp đổ
hàng rào trường Thực nghiệm để đưa đơn cho chúng được vào lớp Một sau này nghĩ
gì?
Đấy là một câu hỏi
chẳng ra sao. N. nghĩ vậy. Bọn trẻ vào lớp Một học những trường cha mẹ chọn cho
chúng, lớp Sáu rồi lớp Mười, tiểu học, trung học cơ sở, thậm chí đến cả đại học
cũng vậy. Chúng không chọn, ít khi lắm, mà chính là bố mẹ chúng chọn nơi
chúng sẽ học. Khát khao đưa con vào học một trường tốt là một khao khát cực kỳ
cháy bỏng, cực kỳ lớn lao mà sau khi có con, các bậc làm cha mẹ nước mình ít
khi có niềm khao khát nào dành cho bản thân sánh bằng. Nếu chúng có nghĩ, N.
mong trước hết là lòng biết ơn. Những giọt mồ hôi bố mẹ bỏ ra để có cơm ăn áo
mặc, để đóng tiền học và bất thường hơn, để nộp đơn vào trường tốt, nhiều khi
xót xa hơn những giọt nước mắt. Muốn hỏi, hãy hỏi xem bố mẹ bọn trẻ nghĩ gì khi
lao vào cuộc chen lấn đau khổ nhường ấy? Nếu không chen lấn như vậy, con cái họ
có thất học không?
N. cũng có con. Ơn
giời, trường tiểu học của nó tương đối gần nhà. Đành là lớp học đông đúc nóng
bức chật chội và N. chịu đựng tắc đường ngày ngày bốn buổi đón đưa sáng chiều,
nhưng không đến nỗi phải chầu trực cả đêm, đạp đổ cả hàng rào sắt để nộp được đơn
xin cho con đi học lớp một. May, nhờ thế, con N. không thất học.
Cái gì đây? Đạp rào
xông vào trường nộp đơn cho con vào lớp 1!
Hôm nay, con gái N.,
mới lớp ba, chỉ cho bố xem những lỗi chính tả trên những tấm biển
ngoài đường: Nem dán, Chứng lộn…Nó hỏi một cách nghiêm túc, bố ơi
đổ rác ngoài đường có thể bị phạt, sao viết sai chính tả lại không việc gì? N.
không biết trả lời con thế nào. Thà rằng ít học, đừng quan tâm đến những lỗi
ấy, đỡ phải nghĩ ngợi gì. Nhưng trẻ em thì phải đến trường và bố mẹ phải chạy vạy
nộp đơn cho chúng đến trường. Có ai đi học chỉ để sau này ra làm thợ kẻ vẽ biển
hàng ăn đâu.
Thôi đừng lắm chuyện
nữa, vào lớp học cho nhanh!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét