Những cái đã nhớ không cần nhớ, ví như lòng hận thù, sự đố
kỵ, tính nhỏ mọn, lòng ích kỷ… của mình và của kẻ khác. Những cái đã quên không
nên quên, ví như tình yêu, lòng biết ơn, sự tận tụy giúp đỡ mình của người khác
và cả của mình. Nói tóm lại, những việc cần quên, ráng nhớ này rất quan trọng
cho cuộc sống của mỗi chúng ta để nó trở nên tốt đẹp và đáng sống hơn.
Nói thì dễ nhưng thực hành
lại rất khó. Cuộc sống muôn mặt dày vò liên tục đã làm mỗi chúng ta cứ nhớ
những cái không cần nhớ, mà lại quên đi cái phải nhớ.
Tâm trí chúng ta luôn có
khuynh hướng nhớ cái cần quên. Ví dụ, một việc nhỏ nhoi như sự bực bội.
Sự bực bội cứ kéo dài làm ta khó chịu vô cùng. Tại sao lại kéo dài? Sở dĩ nó
kéo dài vì ta đã nhớ nó. Ta không thể quên nó được. Thật là một cái nhớ vô ích,
vậy ta hãy quên nó đi là tốt nhất.
Một hôm tôi nói
chuyện này cho một ông bạn láng giềng nghe trong lúc uống trà. Nghe xong, ông
ta cười toáng lên, khảng khái bảo rằng:
“Nói quá dễ nhưng làm
rất khó. Đó chỉ là lý thuyết nói cho sang miệng. Nếu thi hành những điều ấy
được thì con người đã tốt đẹp từ lâu rồi”.
Tôi nói:
“Biết khó nên phải cố gắng
chớ. Phải ráng nhớ và đừng quên những việc ấy”.
Ông láng giềng lại cười:
“Thôi. Thôi. Đó chỉ là lý tưởng vươn tới,
không dễ gì thực hiện nổi. Này nhé, người ta hại anh, làm sao anh quên cho
được? Xuống mồ rồi anh vẫn còn nhớ ấy chứ? Người ta ức hiếp anh, anh có tức
không? Anh quên được việc này à?”.
Nghe ông ta nói thế, tôi nín thinh. Quả
thật, những việc ấy không thể quên được. Càng lâu dài càng nhớ sâu sắc hơn.
Thấy tôi nín thinh, ông ta nói tiếp:
“Tuy vậy, cái nhớ hoặc cái
quên của con người cũng rất hay vì nó có thể thay đổi. Ví dụ như, do nghe lời
dèm pha, tôi hiểu lầm và ghét anh thậm tệ. Mãi về sau này tôi mới biết sự thật
là anh hoàn toàn không phải như thế, lập tức tôi lại thương quý anh hơn. Và tôi
lại ghét cái người dèm pha anh thậm tệ. Thật sự, việc tình cảm tự nhiên này
chúng ta không cần gắng sức. Chúng ta không cần “phải quên & ráng nhớ” làm
chi cho khổ tâm, mệt xác. Cứ theo lương tâm và lý trí mình một cách tự nhiên,
đừng gượng ép”.
Tôi lại nín thinh rồi hỏi:
“Vậy, phải quên & ráng nhớ những điều tôi
vừa nói là sai à?”
Ông ta cười:
“Đâu có sai. Quá trúng. Quá tốt đi chớ. Duy
chỉ có điều nó làm mệt trí cho người ta lắm. Dạy trẻ con thì được, nhưng chắc
gì chúng nhớ, bởi vì đó không phải là quy luật tự nhiên mà đó là quy luật đạo
đức. Nhưng dù sao, nhắc nhở như vậy là rất tốt, rất quý, rất hay và rất nên”.
Ồ, phải như thế chứ. Tôi thở phào:
“Dù sao thì chúng ta cũng phải cố gắng “quên
cái đã nhớ không cần nhớ & ráng nhớ cái đã quên không nên quên” được chừng
nào tốt chừng ấy. Phải không nào?”.
Ông láng giềng mỉm cười khoan khoái:
“Dĩ nhiên. Mong sao con
người bớt “xấu” hơn là mừng. Còn “tốt” hơn có lẽ hơi bị khó đấy.”
Chúng tôi cùng cười và tiếp tục uống
nước trà…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét