Thứ Sáu, 21 tháng 12, 2012

Những cách nói chuyện có duyên


Nói chuyện có duyên! Ai cũng mong nuốn được khen như thế. Nhưng trong thực tế có biết bao người đã khổ sở vì… vô duyên.


Duyên là gì mà chi phối chúng ta đến thế?
Ca dao có câu:
                             Còn duyên kẻ đón người đưa
                   Hết duyên đi sớm về trưa một mình.
          Theo Hoàng Phê trong quyển Tự điển Tiếng Việt thì chữ duyên có nhiều nghĩa:
- Phần cho là trời định dành cho mỗi người về khả năng có quan hệ tình cảm hòa hợp, gắn bó nào đó trong cuộc đời.
Duyên còn có nghĩa là sự hài hòa của một số nét tế nhị, đáng yêu ở con người, tạo nên vẻ đẹp hấp dẫn, tự nhiên.
Duyên theo nghĩa đầu thì khỏi bàn, vì “trời định” rồi, đành cho qua luôn.
Còn chữ duyên theo nghĩa thứ hai thì rõ ràng chúng ta có thể đạt được, nếu muốn. Chúng ta có thể tạo ra sự hài hòa, những nét tế nhị, đáng yêu cho chính mình bằng cách rèn luyện để có thể… hấp dẫn một cách tự nhiên.
Sau nhiều cuộc điều tra, nghiên cứu và thử nghiệm, các nhà Tâm lý học đã nêu ra những phương cách để rèn luyện trở thành người “ăn nói mặn mà  có duyên”.
          1/ Bạn hãy… ít nói!

Ảnh: Internet
          Đúng vậy! Nói ít thì ít sai sót, hớ hênh. Nếu vừa gặp ai bạn cũng huyên thuyên như “tuột băng” thì người nghe sẽ… mệt. Họ chưa kịp hiểu câu đầu thì đã có câu kế tràn tới, lấp đầy lỗ tai. Nói nhiều, nói nhanh thì các âm được phát ra không rõ, ảnh hưởng rất nhiều giọng nói của bạn. Hẳn bạn đã từng nghe câu:
                    Chim khôn hót tiếng rảnh rang
                   Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe.
Và tục ngữ:
” Ăn có nhai, nói có nghĩ”.
          Hãy nói ít thôi. Nói đúng chuyện, đúng lúc, đúng chỗ và dịu dàng, từ tốn thì …có duyên lắm đấy!
 2/ Bạn hãy đôn đốc người khác nói!
          Đừng nản! Đừng nghĩ là bị tra tấn bằng ngôn ngữ. Bạn chân thành lắng nghe người khác thổ lộ cũng là một cách giúp họ trút bớt “gánh nặng”, đem lại sự cân bằng tâm lý. Tuy nhiên, không phải là im thin thít mà cần đôn đốc bằng vẻ mặt tươi tỉnh, nụ cười khuyến khích và những câu: ”Ồ, rồi sao nữa?”, “hay quá! Bạn kể tiếp đi!”.
          Rồi bạn sẽ phải ngạc nhiên khi kết thúc cuộc nói chuyện người ta sẽ khen bạn "Nói chuyện có duyên” dù bạn gần như… im lặng để lắng nghe.
3/ Cần tránh cãi cọ:
          Dù ý kiến của người đối diện có mâu thuẫn với ý kiến của bạn cũng cần bình tĩnh. Bạn cứ để người ta nói một mạch đi. Trong lúc đó, bạn suy nghĩ, tìm cách nói thế nào để người ta đồng ý với mình. Nếu “cơn bão” vẫn không giảm thì bạn đành nói: ”Bạn mất bình tĩnh rồi. Chúng ta hãy tạm quên chuyện này đi, chờ một dịp khác sẽ bàn sâu hơn”.
4/ Tốt hơn hết bạn nên nói về những điều người đối diện thích

  Thật không công bằng, phải không? Đừng nghĩ vậy. Sự quan tâm của bạn đến người khác cũng sẽ đem lại hạnh phúc cho bạn. Dẫu sao, bạn cũng làm một người vui, cuộc nói chuyện trở nên thú vị. Càng tuyệt hơn nữa, nếu người trò chuyện với bạn là người có văn hóa thì lập tức họ cũng muốn nói đến những gì bạn thích.
5/  Hãy làm cho cuộc gặp gỡ trở nên vui vẻ bằng cách khôi hài hóa câu chuyện:
   Sự khôi hài sẽ giúp bạn và mọi người thoát ra ngoài vùng căng thẳng. Mọi bực bội được xoa dịu. Tuy nhiên, cần phân biệt rõ khôi hài và châm biếm để tránh điều đáng tiếc.
6/  Hãy… rút lui:
    Đó là kế sách tuyệt vời nhất nếu bạn gặp phải một đối tượng nói quá nhiều, hay gây sự, thích châm biếm, độc đoán… Chỉ còn cách làm bộ coi giờ trên đồng hồ đeo tay hoặc che miệng ngáp liên tục. Sau đó, rút êm.
Chúc bạn “ăn nói mặn mà có duyên”.
Để được nhiều người nhận xét là ăn nói có duyên, các MC phải luyện tập không ngừng. Trong ảnh: MC Quỳnh Hoa - Ảnh: T.T.D.
Trong một lần tư vấn tâm lý, một bạn gái tâm sự với tôi rằng cô vừa bị một người bạn nhận xét là ăn nói vô duyên. Cô tỏ ra không tự tin lắm khi mình không được đẹp, giọng nói không hay... từ đó ngại nói chuyện với mọi người.
Lắng nghe tâm sự của bạn đó (là nhân viên hành chính của một sở tại TP.HCM), tôi đã dẫn ra cho bạn ấy thấy rằng có rất nhiều người không đẹp, giọng nói không hay… nhưng vẫn nói chuyện rất có duyên. Lý do là họ tự tin với chính mình. Họ đối diện với những khuyết điểm của mình, sau đó từng bước tìm cách khắc phục khuyết điểm, tự tin và cởi mở hơn khi giao tiếp.
Mới đây, trong gần 30 bạn trẻ đăng ký tuyển dụng để trở thành nhân viên PR cho một công ty tại TP.HCM, người được chọn là một bạn gái không hẳn giỏi hơn những ứng viên khác về kiến thức xã hội, sự thông minh hay hình thức bên ngoài. Chính lối trò chuyện rất duyên dáng, tự tin, sắc sảo nhưng khiêm tốn và có chừng mực của bạn ấy đã thuyết phục được hội đồng tuyển dụng.
Đừng vội cho rằng chỉ có những việc liên quan đến truyền thông hay công việc có tiếp xúc nhiều mới cần cái duyên trò chuyện. Trò chuyện có duyên là một nét đẹp hết sức đặc biệt trong đời sống con người, đó chính là yếu tố gây thiện cảm trong giao tiếp, làm cho người ta nhớ mãi khôn nguôi.
Trong công sở cũng như trong giao tiếp xã hội, lời nói có duyên làm cho quan hệ công việc trở nên trôi chảy hơn, quan hệ người - người mang tính nhân văn thật sự hơn. Một nhân viên chuyên thị thực và công chứng tại một UBND phường ở Q.7 (TP.HCM) tâm sự: “Trước đây tôi chưa hiểu được chữ duyên trong trò chuyện nên khi lên giọng ra lệnh đề nghị mọi người ngồi trật tự thì họ càng nhao nhao lên. Vậy mà chỉ cần chuyển giọng ngọt ngào và những lời nói dễ vào lòng người thì mọi chuyện khác đi”.
Người có “khoa nói” chưa hẳn đã là người trò chuyện có duyên. Trò chuyện có duyên không phải là “khua môi múa mép” hay những lời nói ngọt ngào một cách đơn thuần, càng không phải là những lời nói môi mép “có cánh” đến mức lịm ngọt để vuốt ve hay ám thị người khác. Một phong cách trò chuyện tự tin, rõ ràng, hợp lý và rất riêng, ý nhị, sâu sắc… đã là lối trò chuyện rất duyên.
Lời nói chuyện có duyên phải xuất phát thật từ tấm lòng, thật với suy nghĩ của mình nhưng lại phù hợp với sự mong đợi của đối tượng và không gây sốc với người nghe.
Chỉ cần một chút tinh tế để biết cách nói làm cho sự thật bớt phần căng thẳng, chỉ cần một chút nói tránh để không chạm vào nỗi đau hay sự tự ái của người nghe, chỉ cần một chút hàm ngôn vừa phải đã làm cho người nghe dễ chịu.
Cái duyên nói không chỉ là thế mà nó còn được ẩn trong âm lượng của lời nói, nghệ thuật sử dụng ngôn từ, cách diễn đạt... Ngay cả khi đề đạt nguyện vọng, cả trong góp ý, phê bình lẫn nhau khi cách trò chuyện đủ duyên sẽ không đẩy sự việc đi đến tận cùng của sự chỉ trích.
Cuộc sống càng có nhiều thách thức, chính lúc ấy trò chuyện có duyên lại là thứ gia vị làm giảm tải sự căng thẳng trong giao tiếp và tránh những xung đột không đáng có. Không gì nhẹ nhàng bằng một lời đề nghị giúp đỡ rất ngọt ngào, một câu xin lỗi rất chân thành, một lời hứa rất tự tin và thậm chí là một lời phản biện sâu sắc nhưng ý nhị... Chính nhờ ăn nói có duyên mà văn hóa trò chuyện của mỗi người sẽ được nâng chất và văn hóa xã hội hay văn hóa cộng đồng cũng được bồi đắp.
Nghệ thuật trò chuyện có duyên không phải là món quà tặng bẩm sinh mà tất cả đều đòi hỏi ở mỗi người sự tập luyện và cố gắng. Sẽ là một nét đẹp rất con người nếu như cái duyên của lối trò chuyện sẽ len lỏi trong dòng chảy của cuộc sống gia đình, trong công sở và cả những nơi công cộng. Đấy chính là sức mạnh của vẻ đẹp nội tâm ở mỗi người trong cuộc sống. Chẳng phải người ta vẫn thường nói “Một thương tóc bỏ đuôi gà. Hai thương ăn nói mặn mà có duyên” đó sao?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét