Đó là vấn đề của những lớp đào tạo “kỹ năng sống” bằng ngọn. Sự thật là bạn không thể học với một danh sách dài như thế, và nhất định là không thể học với 10 danh sách dài như thế.
Cho nên chúng ta phải khôn ngoan để học một điều gốc. Nếu học chỉ một gốc, đương nhiên là ta được tất cả mọi ngọn từ gốc đó sinh ra.
Gốc đó là trái tim tĩnh lặng.
- Tĩnh lặng thì đương nhiên là tự tin, vì người tĩnh lặng chẳng có sợ sệt trong lòng.
- Tĩnh lặng thì thường là có hứng thú làm việc, vì không có những trầm uất hay stress trong lòng làm mình buồn nản hay lười biếng.
- Tĩnh lặng thì đương nhiên là rất nhạy cảm khi nói chuyện với người khác, vì không có các xung động hay thành kiến làm ta chia trí hay mờ mắt.
- Tĩnh lặng thì làm việc cẩn thận, vì tĩnh lặng thì không hấp tấp.
- Tĩnh lặng thì luôn luôn làm việc bình tĩnh và hiệu quả, vì không dễ nổi giận.
- Tĩnh lặng thì khiêm tốn, nên không hỏng việc vì kiêu căng.
…
Người xưa lấy tĩnh lặng làm gốc cho mọi điều, không phải vì mọi người đều muốn thành thiền sư, mà vì tĩnh lặng làm cho mọi kỹ năng khác đều tăng. Võ sư học Thiền. Kiếm sĩ học Thiền. Người pha trà học Thiền. Người cắm hoa học Thiền. Bác sĩ học Thiền. Doanh nhân học Thiền. Tướng học Thiền. Vua học Thiền…
Khi ta học được tâm tĩnh lặng là ta đã có gốc, các kỹ năng làm việc khác tự nhiên phát triển cho ta.
Cho nên, dù các bạn làm nghề gì—kỹ sư, giáo sư, bác sĩ, luật sư, họa sĩ, ca sĩ, nhạc sĩ—hãy tập tâm tĩnh lặng. Rồi các bạn sẽ thấy, càng tĩnh lặng, các kỹ năng làm việc của bạn càng tăng, dù đó là loại việc gì.
Và khi nói đến tĩnh lặng, ta hay nói đến chữ Thiền, vì hai từ đó gần như có nghĩa như nhau. Tâm Thiền là Tâm Tĩnh Lặng.
Nhưng có nhiều cách luyện tâm tĩnh lặng, không chỉ ngồi Thiền mà thôi, như là: tập trung vào chỉ một việc đang làm (thiền từng phút), cầu nguyện, nhìn ngắm thiên nhiên… Có nhiều cách tập tâm tĩnh lặng. Làm sao để trái tim của bạn được rỗng lặng, không có thành kiến và xung động trong đó là được.
Chúc các bạn một ngày được gốc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét